Kiên Giang triển khai hiệu quả Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long ”.

Cây lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang, đóng góp cao cả về diện tích và sản lượng cho cả nước và cho toàn vùng ĐBSCL, diện tích gieo trồng hằng năm trên 712.856 ha với sản lượng hơn 4,55 triệu tấn/năm, đóng góp gần 20% sản lượng toàn vùng.

Mục tiêu của Dự án là áp dụng “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp phục vụ Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030”; Giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm gạo phục vụ xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường; Xây dựng và phát triển bền vững vùng nguyên liệu liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu.

Lãnh đạo Khuyến nông Quốc gia cùng Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang và UBND huyện Hòn Đất đã cắt băng khởi động Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long” tại mô hình sản xuất thuộc HTX Vinacam huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Lễ cắt băng khởi động dự án có sự chứng kiến của nông dân tại 05 tỉnh có triển khai Đề án 1 triệu ha.

Dự án triển khai tại Kiên Giang với 04 nội dung gồm: Xây dựng mô hình trình diễn lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Xây dựng mô hình trình diễn thu gom rơm và xử lý gốc rạ; Tổ chức quản lý sản xuất liên kết HTX – Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gắn với tổ Khuyến nông cộng đồng và phát triển bền vững Quản lý sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; Đào tạo tập huấn quy trình canh tác và thông tin tuyên truyền các nội dung của Dự án

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT thăm quan mô hình thuộc Dự án tại HTX Thanh Xuân, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang

Dự án đã tổ chức tập huấn quy trình theo Sổ tay Canh tác lúa thông minh giảm phát thải được chủ nhiệm dự án biên soạn dựa trên hiệu quả thực tế các giải phát kỹ thuật đã áp dụng thành công từ Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2022. Đồng thời tham khảo và tổng hợp từ một số quy trình và tiến bộ kỹ thuật mới bao gồm: (i) Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với BĐKH Đồng bằng sông Cửu Long – theo Quyết định số 102/QĐ-TT-VPPN ngày 09/03/2023; (ii) Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải  thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long – theo quyết định số 145/QĐ-TT-CLT ngày 27 tháng 3 năm 2024; (iii) Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long – theo Quyết định số 396/QĐ-TT-VPPN ngày 31/10/2023 và (iv) Quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp đã được Cục Trồng Trọt – ban hành kèm theo Sổ tay hướng dẫn theo Quyết định số 248/QĐ-TT-CLT ngày 10/7/2023. Kết quả đã tổ chức tập huấn cho nông dân 2 HTX tham gia Dự án và hơn 10 HTX với 150 nông dân bên ngoài Dự án tham dự.

Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn cho nông dân ngoài Dự án quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Kết quả Dự án đã triển khai 100 ha sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức sản xuất, hướng dẫn và giám sát các thành viên hợp tác xã thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành./.

Văn Dũng