Thêm Hai mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ đề án 01 triệu ha tỉnh Kiên Giang

Trên cở sở Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; tỉnh Kiên Giang kịp thời cụ thể hoá Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/01/2024 thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Mô hình canh tác lúa thuộc đề án 1 triệu ha huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang

Trong năm 2024, Kiên Giang thực hiện 07 mô hình thí điểm, với tổng diện tích 311 ha. Trong đó:

– 02 mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp với diện tích 61 ha (huyện Tân Hiệp, 50 ha; An Minh, 11 ha).

– 05 Mô hình thí điểm của tỉnh với diện tích 250 ha (huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, Gò Quao và Châu Thành, mỗi huyện 50 ha).

– Các điểm thực hiện mô hình áp dụng đồng bộ 100% diện tích đồng bộ cơ giới hóa trong gieo sạ gồm: sạ hàng, sạ cụm, sạ cụm kết hợp bón vùi phân, sạ máy bay (drone).

– Hiện tại các điểm thực hiện mô hình lúa trong giai đoạn từ 25 – 40 ngày sau khi sạ, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân khá thuận lợi. Riêng 11 ha lúa-tôm tại huyện An Minh lúa trong giai đoạn 90 ngày sau khi sạ, phát triển tốt, đang giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch.

– Các điểm thực hiện mô hình, nông dân được tham gia các lớp tập huấn quy trình canh tác lúa theo Quyết định 145 của Cục Trồng trọt áp dụng cho canh tác lúa trong đề án một triệu héc-ta, gieo sạ mật độ 70 kg/ha, sử dụng tiết kiệm phân bón, siết nước theo quy trình có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng và cày vụ rơm rạ kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh phân hủy rơm rạ.

Kết quả thực hiện mô hình của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong vụ lúa Thu đông cho thấy:

– Từ kết quả thực hiện mô hình đã góp phần giảm 15% chi phí đầu vào trong đó giảm 30% lượng giống gieo sạ, giảm 57% phân bón trong mô hình (cụ thể: 49kg N, 17,4kg P2O5 và 42,8kg K2O); Giảm 01 lần phun thuốc BVTV; Giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%; giá thành sản xuất 1 kg lúa giảm từ 889 đ/kg – 924 đ/kg.

– Kết quả giảm phát thải tại mô hình thí điểm từ 7.56 đến 8.11 tấn CO2qđ/ha. Đây là kết quả giảm rất cao đối với vụ Thu Đông, kết quả này cho thấy HTX áp dụng quy trình thành công và tiềm năng giảm phát thải ở mức cao.

– Năng suất mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân đạt 5,43 tấn/ha, sạ cụm kết hợp vùi phân đạt 5,26 tấn/ha, sạ drone đạt 5,0 tấn/ha và đối chứng 4,89 tấn/ha, chênh lệch năng suất giữa trình diễn và đối chứng 340 kg/ha.

– Chi phí điểm trình diễn giảm 3.309.000 đồng/ha, lợi nhuận đạt trung bình 25.116.000 đồng/ha, tăng hơn so với đối chứng 6.131.000 đồng/ha và gia tăng lợi nhuận 32% so với ngoài mô hình, các thành viên hợp tác xã có đề nghị được mở rộng diện tích thực hiện mô hình trong vụ tiếp theo.

Cơ quan chủ trì Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long ” thăm mô hình tại HTX Thanh Xuân, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh các mô hình trên, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông còn triển khai 02 mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long ” nâng tổng số mô hình lên 411 ha. Hai mô hình thuộc dự án Khuyến nông Trung trương triển khai tại HTX Thanh Xuân xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang và HTX Nông nghiệp VINACAM Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, với quy mô 100 ha, kết quả dự án sẽ giúp nông dân trồng trồng lúa của tỉnh Kiên Giang tiếp cận nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mới trong sản xuất lúa, định hướng được thị trường trong thời gian tới để tạo ra sản phẩm quả an toàn, chất lượng cao, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động cho người trồng lúa sản xuất theo các tiêu chuẩn như: SRP, VietGAP,… Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhật ký sản xuất; xử lý gốc rạ; tuần hoàn rơm, MRV,…. gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết bền vững hơn.

Văn Dũng