Trạm Khuyến nông huyện Kiên Lương phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình “Nuôi dê sinh sản” tại xã Hòa Điền bước đầu mang lại hiệu quả.
Trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt trên heo, bò thường xuyên xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Bên cạnh đó, giá thức ăn tăng, đầu ra sản phẩm không ổn định làm ảnh hưởng không nhỏ tình hình phát triển chăn nuôi của địa phương.
Nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đồng thời mở ra hướng chăn nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông tại xã Hòa Điền. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện mô hình “Nuôi dê sinh sản” (2 điểm) tại ấp Hòa Lạc và ấp Cảng, xã Hòa Điền.
Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống và 50% giá trị vật tư thiết yếu bao gồm đá liếm bổ sung khoáng chất 10 kg, thức ăn hỗn hợp 240 kg. Phần còn lại nông dân tự đầu tư.
Mô hình có quy mô 05 con/điểm với giống dê Boer (01 dê đực và 04 con dê cái). Hai hộ tham gia mô hình được chọn là những hộ có tinh thần tự nguyện, ham học hỏi, chịu khó lao động và có ý chí vươn lên làm giàu, muốn chuyển đổi đối tượng vật nuôi mới thích ứng với tình khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tham gia mô hình, nông dân được trang bị tập huấn tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi như cách xây dựng chuồng trại, chọn giống dê, chăm sóc dê trước và sau sinh, phương pháp phòng trị bệnh trên dê sinh sản và dê thịt,… Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi mô hình thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn và tư vấn trong quá trình nuôi.
Hai hộ tham gia đã thực hiện đúng tiêu chí của mô hình đề ra. Sau hơn 6 tháng thực hiện đã có kết quả bước đầu khả quan, cụ thể: có 08 con dê đã phối giống (đạt 100%), trong đó có 04 dê mẹ đẻ được 05 con (04 đực và 01 cái), trọng lượng dê sơ sinh từ 2 đến 2,3kg/con. 04 con dê cái còn lại hiện đang mang thai. Đây là kết quả bước đầu đáng mừng đối với người nông dân.
Trao đổi với ông Bùi Hoàng Thanh là một trong hai hộ tham gia mô hình: “Lúc ban đầu khi bắt về do chưa biết chăm sóc nên bầy dê cứ ho rồi sổ mũi thấy cũng nản. Nhưng có cán bộ thú y Tổ Kinh tế Kỹ thuật vào tận tình điều trị theo dõi đến nay đàn dê nhà tôi đã sinh thêm được 04 con dê gồm 3 con đực và 1 con cái, tôi rất phấn khởi và vui mừng. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ nhân đàn ra nhiều thêm, mở thành trang trại. Bên cạnh đó, từ lúc mô hình triển khai đến nay đã nhận rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương và bà con các ấp trên địa bàn xã”, ông Thanh nói.
Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chúng tôi có khuyến cáo đến bà con chăn nuôi như sau: dê Boer là loại vật nuôi dễ nuôi, lớn nhanh, sinh sản tốt, chăm con giỏi. Tuy nhiên, khi nuôi bà con nên lưu ý muốn nuôi đạt hiệu quả thì cần phải tiêm ngừa đầy đủ theo lịch quy trình cho dê trên 1 tháng tuổi như đậu dê, viêm ruột hoại tử, tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đồng thời cũng nên phòng bệnh ký sinh trùng đường máu và sổ giun khi dê từ 3-4 tháng tuổi.
Kết quả đạt được cho thấy người nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống vật nuôi vào thực tiễn góp phần đa dạng hoá sản phẩm chăn nuôi, từ đó nâng cao tầm hiểu biết của mình cũng như thu nhập và cải thiện đời sống. Viêc triển khai xây dựng mô hình tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng sản xuất giảm chi phí, nâng cao chất lượng./.
Đào Thị Thu – Tổ KTKT xã Hoà Điền