Theo Chinhphu.vn, đại thắng mùa Xuân 1975 với chiến thắng 30/4 đã mở ra trang sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam… 47 năm đã qua đi nhưng mốc son chói lọi ấy vẫn trường tồn và vang mãi trong lịch sử của dân tộc. Trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, những bài học và giá trị lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Nhắc lại ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, GS.TS. NGND Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh, Đại thắng mùa Xuân 1975 được đánh dấu bằng sự kiện 30/4 chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam; giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối. Đồng thời đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh giải phóng lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
GS.TS, NGND Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội – Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Quá khứ đã khép lại, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta với dấu mốc 30/4/1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất.
Không chỉ đối với Việt Nam, chiến thắng 30/4 còn là một sự kiện có tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đến nay ý nghĩa lịch sử của Ngày 30/4 vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.
Bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ
Việt Nam và thế giới vừa trải qua một đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại, làm đảo lộn nhiều vấn đề trong một quốc gia và cả trên phạm vi toàn cầu.
Dịch COVID-19 hiện đã tạm lắng xuống và rồi sẽ qua đi. Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ bình thường mới. Trong bối cảnh ấy, sự kiện Đại thắng mùa Xuân 1975 và Ngày Chiến thắng 30/4 lại nhắc cho chúng ta những bài học quý giá về ý chí, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ…
Trong “cuộc chiến” chống COVID-19, chúng ta song song thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế”, với những sách lược linh hoạt. Đặc biệt, chúng ta luôn chú ý nắm bắt và phân tích tình hình thực tiễn, kịp thời có những điều chỉnh, chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Khi dịch bệnh lắng xuống, chúng ta đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, hành động thần tốc và huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Để thực hiện được các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới hiện nay cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, chúng ta càng cần phát huy bài học tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ. Chúng ta phải tranh thủ tối đa những thuận lợi trong nước và quốc tế, nắm bắt và làm chủ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra để thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện đại hóa tiềm lực quốc phòng, vươn lên bắt kịp với các nước trên thế giới.
Theo GS.TS. Đỗ Thanh Bình, với thuận lợi “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”, hiện Việt Nam đang có một đội ngũ lãnh đạo đất nước tâm huyết, tài năng, biết tập hợp sức mạnh đoàn kết của dân tộc, tận dụng được nhân tài… Do đó, GS. Đỗ Thanh Bình tin tưởng, chúng ta sẽ kiểm soát hoàn toàn được đại dịch và đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước để đạt được mục tiêu như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 – Ảnh tư liệu
Dinh Độc Lập là di tích lịch sử nổi tiếng ở TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn
Sống trong hòa bình, chúng ta không được quên lịch sử
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công của cả dân tộc, với sự hy sinh của bao lớp người đi trước. để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, được cống hiến… Chính vì vậy, các thế hệ kế cận không được quên lịch sử dân tộc đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn. “Sống trong hòa bình, hạnh phúc… chúng ta không được quên lịch sử dân tộc”, GS.TS. Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
82 máy bay lên thẳng được Mỹ huy động cho chiến dịch di tản mang tên “Gió thường xuyên“. Ảnh chụp lại tranh tư liệu: Huyên Nguyễn
Quân viễn chinh Mỹ rút khỏi Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh chụp lại tranh tư liệu: Huyên Nguyễn
GS.TS. Đỗ Thanh Bình cho rằng, dù lớp trẻ ngày nay có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vẫn phải biết và hiểu về lịch sử dân tộc bởi lịch sử dân tộc chính là nền tảng, là bệ đỡ để chúng ta xây đắp tương lai. Lớp trẻ ngày nay phải biết và trân trọng cội nguồn của mình, của dân tộc, trong đó có dấu son chói lọi của Ngày Chiến thắng 30/4.