Lúa cỏ và cảnh báo nguy cơ gây hại

Lúa cỏ (Oryza spp.) là vấn đề nghiêm trọng và đe dọa toàn cầu đối với sản xuất lúa gạo trong hệ thống gieo hạt trực tiếp (DSR), do khó kiểm soát vì nó gần giống với lúa trồng và khó sử dụng thuốc cỏ để quản lý kiểm soát. 

Lúa cỏ là gì ?

Lúa cỏ có tên tiếng anh là Weedy Rice và hiện nay phân loài lúa cỏ đang có nhiều tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên, nói chung, lúa cỏ có thể được định nghĩa là loại thực vật không mong muốn của chi Oryza, vì nó không có lợi, gây thiệt hại về năng suất, giảm chất lượng hạt gạo và kinh tế.

Loại lúa cỏ phổ biến nhất là cùng loài với lúa trồng Oryza sativa và do đó gần giống với cây lúa trồng nhất, việc áp dụng rộng rãi phương pháp gieo thẳng (DSR) trong canh tác lúa và lai tạo hoặc dòng gen giữa lúa trồng và họ hàng hoang dã của chúng đã dẫn đến việc xuất hiện rất nhiều loại lúa cỏ.

Các dòng gen phức tạp của lúa cỏ đã dẫn đến sự nhầm lẫn về danh pháp lúa cỏ. Hai tên thường được sử dụng cho lúa cỏ là Oryza sativa L.Oryza sativa f. spontanea. Cả hai tên này đều không áp dụng cho lúa cỏ châu Phi, thuộc giống lúa hoang dã châu Phi hoặc dòng O. glaberrima. Do đó, nhóm nghiên cứu của Giáo Sư Nilda Roma-Burgos thuộc trường Đại học Cambridge đề xuất sử dụng là tên chung cho lúa cỏ là Oryza spp.

Đặc tính dễ rụng và khả năng tích lũy trong đất nhiều dẫn đến sự xuất hiện lúa cỏ ngày càng nhiều (a,b)

Nguyên nhân dẫn đến xuất hiện lúa cỏ ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của lúa cỏ:

+ Quá trình thâm canh tăng vụ, thời gian chuyển vụ ngắn, hạt lúa cỏ lưu tồn trên ruộng và áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch làm cho hạt lúa cỏ phát tán;

+ Sử dụng giống kém chất lượng và không được kiểm định cơ quan chuyên môn;

+ Áp dụng phương pháp sạ lan/thẳng (Direct Seeded Rice – DSR);

+ Sự phân ly, lai tạo và sự đột biến thích nghi dẫn đến sự xuất hiện của lúa cỏ.

Nguồn gốc xuất hiện lúa cỏ có nhiều giả thiết, một số giả thuyết đã được đưa ra liên quan đến sự tiến hóa của lúa cỏ hoặc lúa cỏ có nguồn gốc từ sự chọn lọc và thích nghi của lúa hoang với môi trường. Ở những vùng không có lúa hoang, lúa cỏ có thể bắt nguồn từ lúa trồng thông qua sự đột biến thích nghi và tích lũy các đột biến. Một nghiên cứu của tác giả Lewis H. Ziska et al., (2017) đăng trên tập chí Elsevier cho rằng việc lai tạo giữa các giống lúa Japonica là một con đường khả dĩ cho nguồn gốc của lúa cỏ. Nhiều nghiên cứu khác nhau về nguồn gốc của lúa cỏ dựa trên các thí nghiệm về khả năng sinh sản, phân tích DNA và các đặc điểm liên quan đến gen cho rằng một số giống lúa cỏ có thể có nguồn gốc từ dòng gen lai giữa lúa hoang và lúa trồng. Một số nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy các chủng lúa cỏ có liên quan chặt chẽ với các giống trồng tại địa phương hơn là lúa hoang O. rufipogon, điều này cho thấy rằng lúa cỏ ở Trung Quốc có thể có nguồn gốc từ các giống lúa thuần hóa và lúa lai. Đáng chú ý, các thí nghiệm lai liên quan đến lai giữa các loài và giữa các giống lúa đã tạo ra các thế hệ con cháu biểu hiện các tính trạng lúa cỏ, theo nghiên cứu của Xiong et al., ( 2012 ) cho rằng sự xuất hiện của lúa cỏ giữa các thế hệ con lai indica × japonica cao hơn so với các phép lai indica × indica,…về nguồn gốc sự xuất hiện của lúa cỏ thì có nhiều giả thiết. Tuy nhiên, lúa cỏ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thu nhập của người nông dân trên toàn thế giới và sự cảnh báo lúa cỏ có thể là loài dịch hại phổ biến trong tương lai cần phải lưu ý toàn cầu cho các vùng có sản xuất lúa.

Một dạng lúa cỏ xuất hiện trên nhóm giống lúa Japonica tại huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang

Thiệt hại về lúa cỏ như thế nào ?

Lúa cỏ phá hoại và thiệt hại về năng suất đã được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ nhiễm lúa cỏ ở các ruộng lúa ở Châu Âu và Hoa Kỳ được ước tính lần lượt là từ 30% – 70% (Sadia Nadir et al., 2017), Theo Leylani M. Juliano et al., 2020, lúa cỏ có thẩy gây thiệt hại năng suất lên tới 80% ở Malaysia, cũng theo tác giả ở các nước châu Á, ước tính về sự phá hoại lúa cỏ đồng thời ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam có thể làm giảm 1,9 triệu tấn (0,5%) sản lượng gạo hạt dài toàn cầu (DurandMorat , Nalley, & Thoma, 2018). Theo Đại học Cambridge (2021), thiệt hại về năng suất lúa do sự can thiệp của lúa cỏ có thể lên đến 90% tùy thuộc vào loại lúa cỏ, giống lúa, thời gian cạnh tranh, mức độ nhiễm bệnh và môi trường, Nếu không kiểm soát được thiệt hại do lúa cỏ gây ra, chúng có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Một số dạng hình bông của lúa cỏ

Trong một bài báo xuất bản ngày 8 tháng 9 năm 2022 trên tạp chí Communications Biology , các nhà khoa học từ Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Arkansas báo cáo rằng lúa cỏ đã trở nên kháng thuốc diệt cỏ. Nghiên cứu nêu bật những thách thức mà nông dân trồng lúa Hoa Kỳ phải đối mặt với dịch hại lúa cỏ. Nó cạnh tranh gay gắt với lúa trồng trên đồng, dẫn đến giảm năng suất và giảm chất lượng thu hoạch, làm ảnh hưởng đến giá trị thị trường. Sự phá hoại của lúa cỏ gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 45 triệu USD ở Hoa Kỳ mỗi năm và hàng trăm triệu USD trên toàn thế giới.

Hai dạng hình đặc trưng của lúa cỏ có đuôi

Lúa cỏ là loại cây không mong muốn thuộc chi Oryza, có một số đặc điểm nông học không mong muốn và là mối đe dọa lớn đối với sản xuất lúa gạo bền vững trên toàn thế giới. Việc áp dụng rộng rãi phương pháp lúa gieo thẳng (DSR), lai tạo các giống, các dòng gen giữa lúa trồng và họ hàng hoang dã, do cơ giới hóa,…đã dẫn đến việc tạo ra phổ biến lúa cỏ và chúng đã trở thành một trong những loại cỏ dại xâm nhiễm ruộng lúa phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, lúa cỏ đã phát sinh gây hại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm, đặc biệt do tập quán gieo sạ nên rất khó phòng chống lúa cỏ. Trong vài năm gần đây, nông dân các tỉnh phía Bắc chuyển từ cấy sang gieo sạ đã làm lúa cỏ gia tăng. Năm 2022 diện tích nhiễm lúa cỏ khoảng 2.000 ha với các mức độ nhiễm khác nhau. Để thống nhất biện pháp chỉ đạo phòng chống lúa cỏ, Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp quản lý lúa cỏ tổng hợp và phương pháp điều tra, thống kê diện tích nhiễm để các địa phương phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống lúa cỏ, giảm thiệt hại cho người nông dân. Xem chi tiết hướng dẫn của Cục Trồng trọt tại đây 

TS. Lê Văn Dũng