Tiếp tục nhân rộng thêm nhiều mô hình Đề án 1 triệu héc-ta

Trong hai ngày 25 – 26/11/2024, thêm hai mô hình thí điểm thuộc Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao làm lễ khởi động, cho thấy dấu hiệu tích cực của mô hình mang lại khi áp những những phương thức canh tác mới cho hiệu quả rõ rệt. Hai mô hình được thực hiện ở hai điểm có vùng sinh thái khác nhau là xã Định An, huyện Gò Quao (25/11) và xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (26/11).

Đối với vùng sinh thái xã Định An, huyện Gò Quao, đây là huyện thuộc vùng Tây sông Hậu. Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Phú, với diện tích 54 héc-ta của 50 hộ nông dân trong HTX tham gia, giống lúa được sử dụng là Đài Thơm 8 cấp xác nhận, được gieo sạ bằng máy bay và máy sạ cụm. Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại huyện Gò Quao sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực sản xuất lúa gạo trong thời gian tới, giúp gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính.

Khởi động mô hình thí điểm tại xã Định An, huyện Gò Quao.

Tại huyện Hòn Đất, mô hình được thực hiện tại HTX Nông nghiệp VINACAM của xã Nam Thái Sơn, đây là vùng sinh thái đất nhiễm phèn. Mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, đơn vị thực hiện là Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hợp tác cùng Công ty CP Phân bón Bình Điền với quy mô diện tích là 50 héc-ta của 10 hộ dân trong HTX VINACAM, lượng gieo sạ là 70kg/ha, giống lúa là giống DS1.

Từ việc thêm nhiều địa phương của tỉnh tham gia Đề án, có thể thấy được hiệu quả mà mô hình mang lại trong việc ứng phó trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc liên kết của “3 nhà” (nhà nước – doanh nghiệp – nông dân) sẽ hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” không còn là gánh nặng của người nông dân, giúp nông dân an tâm sản xuất để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh Kiên Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước.

Tham dự lễ khởi động tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất có ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó giám đốc Sở NN và PTNT Kiên Giang (giữa) và ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia (cầm mic).

“Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang đồng loạt triển khai tiếp tục mô hình trên các huyện còn lại, để làm cơ sở đánh giá việc giảm phát thải đối với những phương thức canh tác, mỗi tiểu vùng sinh thái khác nhau để tổ chức triển khai nhân rộng cho toàn tỉnh”, ông Nghĩa cho biết thêm khi tham gia lễ khởi động Đề án tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất.

Bên cạnh những thành công mà Đề án mang lại, việc thực hiện công tác tuyên truyền cần được quan tâm nhiều hơn để nông dân tích cực tham gia, vì đây là yếu tố quan trọng cùng với sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện Đề án thành công.

Đây cũng là dịp cho ra mắt bộ tài liệu tập huấn phục vụ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp.

Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia chia sẻ tại lễ khởi động, phải cần thời gian tuyên truyền, vận động nông dân và phải có mô hình để nông dân tin tưởng và làm theo. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ các tổ khuyến nông cộng đồng; đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để cán bộ an tâm công tác, gắn bó hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả cao nhất.

Bài và ảnh: Lê Giang