Hướng dẫn cách rửa mặn tôm – lúa mang lại hiệu quả cao

Mô hình canh tác tôm – lúa được xem là mô hình sản xuất bền vững và ổn định tại tỉnh Kiên Giang nói chung và khu vực vùng U Minh Thượng nói riêng, mô hình đang đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích, có sự liên kết bổ trợ lẫn nhau giữa con tôm và cây lúa “con tôm ôm gốc lúa” giúp cân bằng yếu tố môi trường, con tôm và cây lúa đều phát triển tốt.

Tuy nhiên trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết không giống như quy luật tự nhiên. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng hạn cục bộ, mưa lớn, triều cường dâng,…. đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong đó, canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn như: Lúa bị ngộ độc phèn, mặn không phát triển được, có khi lúa bị chết sau thời gian gieo sạ, ảnh hưởng đến năng suất… Để sản xuất thắng lợi vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2023-2024 và khắc phục tình trạng nêu trên, người nuôi tôm – lúa cần thực hiện các bước cải tạo đất và rửa mặn như sau:

– Xác định thời điểm rửa mặn

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết: Biện pháp rửa mặn, phèn hiệu quả nhất trong canh tác tôm – lúa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Người nuôi tôm – lúa cần xác định khung lịch thời vụ canh tác tôm – lúa “rước mặn để nuôi tôm và đuổi mặn để trồng lúa”. Nông dân cần bố trí vụ nuôi tôm kết thúc sớm để có thời gian chủ động rửa mặn triệt để. Đất nhiễm mặn là hiện tượng trong đất có chứa nhiều dung dịch muối. Thời gian rửa mặn tốt nhất là khi kết thúc vụ tôm vào tháng 7, thời gian rửa mặn hợp lý nhất là từ cuối tháng 7 đến tháng 8 dương lịch, từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch là thời gian canh tác vụ lúa.

 

– Cách tiến hành rửa mặn

+ Xới xáo lớp đất mặt, bón vôi để đuổi mặn, hạ phèn, làm rãnh nước để rửa mặn và phèn.

Rửa mặn được xem là khâu kỹ thuật quan trọng nhất trong sản xuất lúa trên nền đất tôm. Đây là khâu quyết định đến sự thành công của gieo sạ, cấy lúa và quá trình phát triển của cây lúa về sau. Làm đất, rửa mặn cần chú ý đủ thời gian rửa mặn và số lần ngâm xã nước; để rửa mặn tầng đất được sâu hơn, giúp rễ lúa phát triển được tốt hơn cần xới xáo đất để nước ngọt ngấm sâu vào tầng đất canh tác.

Để rửa mặn hiệu quả, trước tiên cần phải bón vôi, nếu chất đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn nên bón vôi CaCO3.

Cày xới giúp đất tơi xốp, tăng khả năng thấm rút nước giúp cho việc rửa mặn trong đất được dễ dàng. Trước tiên, cần bón vôi (CaO hoặc CaCO3) đều trên mặt ruộng với liều lượng 300 – 500 kg/ha. Sau đó, bà con nên tiến hành xới đất nhằm giúp vôi trộn đều trong đất, khi có mưa, hứng nước mưa ngập mặt ruộng (mặt trảng) ngâm khoảng 2 đến 3 đêm sau đó xả cạn và lặp lại từ 3 đến 5 lần đến khi độ mặn trong nước còn 0‰ thì tiến hành gieo sạ.

Làm rãnh nước với 20x20cm, từ 9 – 10m/rãnh để rửa mặn, phèn được dễ dàng trong quá trình canh tác lúa.

 

Vuông tôm-lúa đang giai đoạn tháo nước rửa mặn tại huyện Vĩnh Thuận

+ Phương pháp kiểm tra mặn và pH trước khi xuống giống

Bà con nông dân thường đo độ mặn trong nước, khi nước có độ mặn xuống 0‰ là tiến hành gieo sạ. Tuy nhiên việc giữ nước mặn vào nuôi tôm trong thời gian dài đã khiến tình trạng đất giữ mặn và rất khó rửa mặn. Đó là lý do hiệu quả rửa mặn chưa triệt để dẫn đến tình trạng cây lúa dễ bị chết trong giai đoạn mới gieo sạ nếu gặp thời tiết nắng nóng.

Để xác định tương đối chính xác độ mặn và pH để gieo sạ thì sau khi đã áp dụng đồng bộ các biện pháp rửa mặn nêu trên, nông dân cần kiểm tra lại mặn và phèn trong đất. Tiến hành rút cạn nước trên mặt ruộng, phơi khoảng 1 – 2 ngày. Dùng len khoét giữa ruộng 1 lỗ rộng và sâu khoảng 20 x20cm, chờ nước trong đất rịn ra, lắng trong và đo độ mặn và pH, nếu đo độ mặn 0‰ và pH dao động 5,5 thì tiến hành gieo sạ. Còn nếu độ mặn cao hơn 2 – 3‰ và pH thấp thì nông dân cần tiếp tục rửa mặn.

+ Rửa mặn hiệu quả bằng nước ngọt

Rửa mặn bằng nước mưa hay nước ngọt ở kênh rạch là con đường để loại bỏ mặn ra khỏi đất hiệu quả nhất. Cần theo dõi các kênh thông tin thời tiết thông báo, nếu có mưa lớn thì nông dân cần phải xả cạn đến khô nước trên bề mặt ruộng hoặc xả khô cả lòng mương nếu nước còn quá mặn, đón các trận mưa lớn, giữ cho ngập mặt ruộng, ngâm ruộng qua 2 đến 3 đêm, sau đó lại xả cạn như trước và lặp lại từ 3 đến 5 lần.

Để công tác rửa mặn được tiến hành thuận lợi và mang lại hiệu quả tốt nhất, ngoài kỹ thuật rửa mặn hợp lý và đúng kỹ thuật, thì vai trò của Chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền cho bà con nông dân cùng nhau thực hiện rửa mặn đồng loạt, không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với nông dân trong việc hợp tác sản xuất mà còn duy trì mô hình canh tác tôm – lúa bền vững.

Khuyến nông Việt Nam