TĂNG THU NHẬP NHỜ MÔ HÌNH LÚA- TÔM

Biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu là một vấn đề trong canh tác lúa hiện nay cần được chú ý tới. Tại những địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn thì mô hình lúa – tôm là lựa chọn tốt nhất không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định mà còn mang tính bền vững, thích nghi cao.

        Những năm gần đây, thu nhập của gia đình ông Tiên Sum (63 tuổi), một trong số 28 xã viên của Hợp tác xã lúa – tôm An Phú Xanh, ấp Núi Mây, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, đã tăng gấp 2-3 lần so với trước nhờ sản xuất theo mô hình tôm lúa, dù diện tích canh tác không tăng. Ông Sum cho biết “Nếu như trước đây tôi chỉ làm một vụ tôm trong năm. Trên diện tích 6 ha hàng năm tới tháng 12 tôi thả tôm nuôi theo hình thức quảng canh nuôi thả cuốn chiếu chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên. Thì nay có thể kết hợp cả hai con tôm và cây lúa bằng cách luân canh canh tác. Thường tôi sẽ chọn giống lúa OM5451 là giống lúa ngắn ngày cứng cây, ít sâu bệnh dễ canh tác. Sau khi thu hoạch tôm xong, tôi xả nước ra 3 – 4 lần để rửa mặn gieo sạ lúa, cuối vụ lúa tôi tiếp tục xả nước ra, xử lý cá rồi thả tôm, cua. Cứ xoay vòng liên tục 2 vụ trong năm như vậy mà có ăn”.

Mô hình lúa – tôm giải quyết bài toán thích nghi với biến đổi khí hậu, hiệu quả, bền vững.

        Mô hình thích nghi với điều kiện sản xuất tự nhiên, hàng năm cứ mưa xuống có nước ngọt thì tranh thủ rửa mặn, giữ nước rồi sạ lúa, khi mùa nắng không có nước ngọt thì cho nước mặn vào để nuôi tôm, cua. Nhờ thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa mà con tôm lớn nhanh hơn, còn cây lúa thì hạn chế sử dụng thuốc hóa học thay vào đó là các sản phẩm sinh học vì thế sản phẩm làm ra bảo đảm sản phẩm lúa an toàn, lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ông Sum cho biết thêm “năm nay đầu ra con tôm gặp khó khăn do giá thị trường xuống thấp tuy nhiên tới vụ canh tác lúa chúng tôi thuận lợi ngay từ đầu vụ đã có đơn vị bao tiêu cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cuối vụ với giá thu mua 10.500 đ/kg trừ đi chi phí gia đình tôi có lãi khoảng 77 triệu/ha/năm cao hơn độc canh con tôm từ 2,5-3 lần trước đây”.

        Cũng thực hiện mô hình luân canh lúa – tôm, ông Võ Văn Đây- Giám đốc Hợp tác xã Song Thuận ấp Song Chinh xã Bình Trị cho biết “mô hình lúa tôm thích nghi với điều kiện canh tác vùng giáp biển ở Song Chinh đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con nông dân nơi đây đồng thuận tham gia Hợp tác xã”. Chính vì thế trong tháng 11 năm 2023 Đại hội thành lập Hợp tác xã đã diễn ra và thành công tốt đẹp, “ban đầu với 28 xã viên, 141 ha chúng tôi được nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần chi phí cho vụ sản xuất lúa năm 2023 vừa qua, giá lúa thu mua cuối vụ tương đối cao hơn so với mọi năm, lại được nhà nước hỗ trợ, chúng tôi giảm một phần chi phí sản xuất vì thế hiệu quả kinh tế cao hơn”- ông Đây cho biết thêm.

Mô hình tôm – lúa nhà ông Võ Văn Đây.

        Ông Ngô Thanh Phong- Trưởng ấp Song Chinh cho biết, ấp Song Chinh xã Bình Trị có 2 khu vực canh tác lúa 2 vụ và canh tác lúa- tôm nằm tách biệt nhau do điều kiện canh tác khác nhau. Riêng khu vực giáp biển trước đây người dân chủ yếu nuôi tôm là chính, thời gian gần đây do hệ thống thủy lợi của huyện đã và đang được xây dựng và hoàn thiện, hiệu quả mô hình nuôi tôm quảng canh ngày càng kém do yếu tố thời tiết và môi trường, người dân địa phương chuyển dần sang luân canh lúa- tôm. Qua nhiều vụ canh tác cho thấy mô hình phù hợp với điều kiện địa phương và ngày càng được nhân rộng. Hiện nay trên địa bàn ấp có khoảng trên 800 ha đất luân canh lúa- tôm, vụ lúa vừa qua có khoảng 90% diện tích canh tác có ký kết bao tiêu đầu ra sản phẩm ngay từ đầu vụ, nông dân vừa không phải lo đầu ra sản phẩm lại đỡ một phần chi phí đầu tư do đơn vị thu mua sẽ ứng trước 5 triệu/ha cho hộ dân nếu có nhu cầu, nên nông dân rất phấn khởi.

        Theo Ông Nguyễn Hữu Thành- Huyện ủy viên- Trưởng phòng Kinh tế huyện thì mô hình lúa – tôm phù hợp với hướng đi sản xuất lúa gạo bền vững hiện nay do giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học chất lượng sản phẩm tăng, đầu ra ổn định, đa số sản lượng lúa làm ra đều được ký kết hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ. Thời gian tới huyện sẽ quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình, bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, cũng như hệ thống thủy lợi, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện tiếp tục đưa các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho tổ hợp tác, Hợp tác xã. Xây dựng các mã số vùng trồng lúa- tôm, quan tâm tới sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu từ mô hình luân canh này.

Thanh Phong- Trạm Khuyến nông