Hiện nay phong trào nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có xu hướng giảm, một phần do dịch bệnh xuất hiện, môi trường ô nhiễm, thời tiết bất lợi để cho tôm phát triển, mặt khác giá tôm chân trắng thương phẩm giảm từ 20-30% so với trước đây (giai đoạn trước năm 2020), trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, người nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đưa ra một số giải pháp góp phần nuôi tôm tiết kiệm chi phí như: nuôi tôm theo quy trình Biofloc, nuôi theo quy trình semi-biofloc; quy trình nuôi tôm 2-3 giai đoạn; nuôi tôm ứng dụng quy trình tuần hoàn nước (RAS); quy trình nuôi kết hợp đa loài…
Gia đình chị Kim Sơn RasmeyThyDa, ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, Tp. Hà Tiên, có tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản gần 17 ha, được chia ra 3 khu nuôi, mỗi khu từ 5-6 ha, khu nuôi có hệ thống ao lắng, ao chứa nước, ao xử lý thải, ao ương và ao nuôi. Các ao nuôi có diện tích từ 500 – 1.000m2 có hệ thống cung cấp oxy đầy đủ, máy che bằng lưới lan chiếm 50 – 70% đảm bảo nhiệt độ ít dao động để tôm phát triển tốt. Mỗi khu nuôi gia đình thiết kế từ 2 – 3 ao ương, diện tích mỗi ao 200 – 300m2 và xây nền đáy cao bằng mặt nước ao nuôi để thuận tiện cho việc chuyển tôm nuôi qua ao nuôi giai đoạn 2. Mỗi năm gia đình thả từ 3 – 4 vụ tôm chân trắng, bằng kinh nghiệm thực tế kết hợp với áp dụng quy trình nuôi 2 – 3 giai đoạn, đã giúp gia đình chị luôn nuôi thành công qua nhiều năm liên tục.
Hình 1: Hệ thống ao nuôi tôm của gia đình chị Kim Sơn Rasmey ThyDa |
Qua mô hình chị Kim Sơn RasmeyThyDa chia sẻ: “Áp dụng quy trình nuôi tôm 2-3 giai đoạn giúp kiểm soát môi trường, quản lý mầm bệnh tốt hơn, thả nuôi mật độ cao 150 – 300 con/m2, trong quá trình nuôi quản lý thức ăn tốt, không cho ăn thừa, định kỳ sử dụng vi sinh xử lý môi trường, hạn chế thay nước từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất (hóa chất, vôi, vi sinh, thức ăn, nhân công) nhờ đó đã giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận thu về. Đối với con giống thì chọn con giống ở cơ sở uy tín có chế độ khuyến mãi hấp dẫn, các nguồn nguyên liệu đầu vào khác gia đình mua trả bằng tiền mặt nên giá cả thấp hơn do đó cũng góp phần tiết kiệm thêm một khoản chi phí không nhỏ trong một vụ nuôi, sau mỗi vụ nuôi (2 – 3 tháng) kết hợp thu tỉa bán theo nhu cầu thị trường, mỗi ao nuôi diện tích 1.000m2, sản lượng thu được 4.200kg, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận mang lại 144 triệu đồng/ao 1.000m2”.
Hình 2: Kiểm tra tôm và thu hoạch tôm thương phẩm |
Nhận thấy đây là quy trình và cách làm đúng theo xu hướng thị trường tôm hiện nay. Anh Trần Như Thắng, cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã Thuận Yên chia sẻ thêm “Hiện nay do giá tôm thương phẩm giảm, người dân đã áp dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp giảm chi phí từ khâu mua tôm giống, các loại vật tư khác bằng tiền mặt, bán tôm kích cỡ theo nhu cầu thị trường nên đã tiết kiệm mỗi vụ nuôi từ 10-25 triệu đồng/vụ, đây là cách làm mang lại hiệu quả và cần được nhân rộng đến các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Thuận Yên”.
Danh Nhiệt – Trung tâm Khuyến nông