Giang Thành: Trồng tre tứ quý lấy măng mang lại hiệu quả cao

Một trong những mô hình nông nghiệp mới mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nghèo xã Phú Lợi, thuộc huyện biên giới Giang Thành là mô hình trồng tre tứ quý lấy măng.

Ông Đinh Văn Quang, ngụ tổ 4, ấp Cỏ Quen, là người tiên phong trong việc đưa cây tre tứ quý về vùng đất phèn thuộc xã Phú Lợi, huyện Giang Thành. Đến nay, vườn tre của ông được hơn 2 năm tuổi với diện tích 2 ha, tre thích nghi và phát triển xanh tốt, tre tứ quý là loại cây dễ trồng thích hợp trên nhiều loại đất, ít tốn công chăm sóc cho thu hoạch quanh năm, không đòi hỏi kỹ thuật cao…

Vườn tre nhà ông Đinh Văn Quang.

Theo ông Quang chia sẻ, sau 8 tháng trồng và chăm sóc, cây tre sẽ bắt đầu cho ra măng với năng suất ổn định theo từng năm. Ngoài các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình trồng như: cách trồng, lên liếp, bón phân, chăm sóc và nguồn gốc cây giống … Tuy tre tứ quý ít bị sâu bệnh hại, nhưng vẫn có một số loại gây hại như: bệnh thối thân, bệnh sọc tím, châu chấu, sâu vòi voi… cần phải xử lý kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Tre tứ quý trồng sau 8 tháng là có thể khai thác măng tới năm thứ 2 là thu hoạch tốt. Bình thường cũng thu được từ 30-50 tấn măng/ha/năm. Ông cho biết thêm, nếu măng tre tứ quý trồng ở nơi đất tốt thì còn có thể đạt tới 100 tấn/ha/năm. Giá măng càng ngày càng cao, giá măng hiện nay dao động từ 18.000đ -25.000đ/kg. Hai ngày ông lấy măng một lần được từ 150-170 kg.

Măng tre tứ quý sau khi thu hoạch.

Ngoài việc lấy măng, ông còn làm măng sấy khô, bán tre giống cho bà con có nhu cầu…Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí một năm ông thu lãi trên 100 triệu. Ông cho biết thêm, đầu ra măng tre rất ổn định không đủ để bán, người tiêu dùng rất ưa chuộng loại măng này vì chất lượng măng ngon ngọt, mục măng vừa ăn khoảng tầm 1,2-1,7kg/mục, rất dễ trong khâu chế biến…

Mô hình trồng tre tứ quý lấy măng của ông Quang mở ra hướng chuyển đổi cây trồng mới cho những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả theo quy hoạch của địa phương mà chưa biết chuyển đổi sang cây gì. Đây là mô hình chuyển đổi cây trồng mới sẽ giúp người nông dân ổn định kinh tế và nâng cao thu nhập trên vùng đất phèn còn nhiều khó khăn như xã Phú lợi.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hoàng Thanh

Biên tập: Lê Giang