Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển mô hình Du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng Nông thôn mới.
Nhằm giúp tỉnh Kiên Giang chuyển đổi tư duy về phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của Kiên Giang. Sáng ngày 22/03/2024, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT có chuyến thăm và khảo sát trang trại “Lúa mùa Tư Việt” và mô hình sinh kế ven cống Cái lớn – Cái bé tỉnh Kiên Giang.
Dẫn đầu đoàn khảo sát là ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc bộ Nông Nghiệp và PTNT cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức Quốc tế như: Tổ chức Winrock International, tổ chức FAO và tổ chức WWF tại Việt Nam. Tỉnh Kiên Giang có Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông và Đại diện lãnh đạo UBND và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông Nghiệp và PTNT cùng đoàn công tác sau khi khảo sát trang trại “Lúa mùa Tư Việt” xong, ông tiếp tục khảo sát hiện trạng sản xuất các mô hình sinh kế ven sông và Cống Cái lớn – Cái bé nhằm đề xuất các tổ chức Quốc tế hỗ trợ tư vấn thiết kế mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp ven sông để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn Kiên Giang, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Ông Tuấn đánh giá cao việc lưu trữ và bảo tồn các giống lúa mùa bản địa và nông cụ nông nghiệp xưa của Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung, đây là mô hình cần khuyến khích phát triển vì nó gắn với lợi thế về nông nghiệp, các giá trị văn hóa, làng nghề và môi trường sinh thái của địa phương. Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, cần thiết kế lại mô hình trang trại và gắn với phát triển cộng đồng dân cư để làm du lịch cộng đồng nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang. Về công tác thủy lợi, ông Tuấn đánh giá đây là công trình đóng vai trò thiết yếu trong việc quản lý nguồn nước cho nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ đảm bảo điều tiết cung cấp nước ổn định cho canh tác mà còn giúp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng qua đó bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Qua chuyến khảo sát trang trại lúa mùa Tư Việt và mô hình sinh kế ven cống Cái lớn – Cái bé cho thấy đây không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì giá trị văn hóa nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ yêu nông nghiệp, yêu đất nước và là minh chứng cho quá trình lịch sử lâu dài, phản ánh sự kiên trì, sáng tạo và khả năng thích ứng với thiên nhiên của người nông dân Việt Nam trong quá trình sản xuất. Mặt khác, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển Khoa học – Công nghệ, từ những phương pháp canh tác truyền thống đến việc áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, từ việc sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp đến xuất khẩu ra thế giới, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc ghi nhận, tôn vinh và bảo tồn văn hóa lúa mùa không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ làm nông nghiệp lúa nước mà còn truyền cảm hứng cho họ trong việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững.
Lê Giang – Văn Dũng