Một trong những mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người dân là mô hình trồng khóm xen canh cây dừa sáp tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng.
Ông Huỳnh Đăng Khoa là người tiên phong trong việc đưa cây khóm và dừa sáp về vùng đất phèn ven sông Cái Bé thuộc xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng. Đến nay, vườn khóm và dừa sáp của ông được hơn 3 năm tuổi với diện tích 22 ha. Khóm – dừa là loại cây dễ trồng, thích hợp trên nhiều loại đất, ít tốn công chăm sóc cho thu hoạch quanh năm, không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Ngoài các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình trồng như: cách trồng, lên liếp, bón phân, chăm sóc và nguồn gốc cây giống… Tuy cây khóm ít bị sâu bệnh hại, nhưng vẫn có một số loại gây hại như: rệp sáp, bệnh thối nõn, bệnh khô đầu lá, tuyến trùng rễ… cần phải xử lý kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.
Khóm trồng sau 18 tháng là có thể khai thác trái, tới năm thứ hai khoảng 04 tháng thu hoạch 1 lần. Bình quân từ 40-50 tấn/ha/năm. Giá khóm hiện nay dao động từ 11.500đ -12.000đ/trái, Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí một năm ông thu lãi trên 245 triệu/ ha/năm. Ông cho biết thêm, hai loại cây này không chỉ thích hợp với vùng đất này, mà còn cộng sinh, hỗ trợ nhau. Khi chăm sóc bón phân, tưới nước cho cây khóm thì cây dừa cũng được hưởng lợi. Ngược lại, khi nắng hạn, cây dừa sẽ tạo bóng mát, che cho khóm phát triển. Đặc biệt là khi thu hoạch, nếu một loại trái cây mất giá thì vẫn còn loại kia bù lại, nhà vườn vẫn có thu nhập, đầu ra khóm rất ổn định, thương lái đến tận vườn để thu mua.
Mô hình trồng khóm xen dừa sáp của ông Huỳnh Đăng Khoa mở ra hướng chuyển đổi cây trồng mới cho những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả theo quy hoạch của địa phương mà chưa biết chuyển đổi sang cây gì. Đây là mô hình chuyển đổi cây trồng mới sẽ giúp người nông dân ổn định kinh tế và nâng cao thu nhập trên vùng đất phèn còn nhiều khó khăn ven sông Cái Bé.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sáng
Biên tập: Lê Giang