Giồng Riềng: Triển vọng từ mô hình nuôi nhím sinh sản tại xã Hòa Thuận

Trong quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh các loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, nhiều nông dân cũng chủ động nghiên cứu, học hỏi và phát triển thêm những mô hình vật nuôi mới để cải thiện thu nhập. Trong đó, mô hình nuôi nhím của gia đình chị Võ Thuý Hằng tại ấp Xẻo Lùng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng là mô hình mới đầy triển vọng về kinh tế cho người dân.

Cách đây 2 năm, nhận thấy thu nhập từ công việc trồng lúa có thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống, chị Võ Thùy Hằng và chồng quyết định chăn nuôi thêm để tăng thu nhập. Qua tham khảo từ mô hình nuôi nhím tại tỉnh Hậu Giang và nhận thấy hiệu quả từ mô hình này nên chị quyết định tìm hiểu quy trình và đầu tư nuôi. Từ vài cặp nuôi ban đầu, đến nay vợ chồng anh chị Hằng đã có được hơn 43 con, trong đó có 20 cặp nhím bố mẹ và còn lại là nhím con khoảng 1 – 4 tháng tuổi. Do hiện nay gia đình chị chủ yếu nuôi để tăng đàn nên chưa xuất bán nhiều ra thị trường, tuy nhiên trong đầu năm 2024 vừa qua, chị đã xuất bán được 5 cặp nhím giống đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 30 triệu đồng.

Việc duy trì nước làm mát cho đàn nhím được chị Hằng thường xuyên thực hiện trong ngày.

Chị Hằng cho biết, nhím nuôi 2 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 2 – 3 kg và giá mỗi cặp nhím hiện nay trên thị trường khoảng 6 triệu đồng, còn nhím bố mẹ giá khoảng 15 triệu đồng/cặp (trọng lượng khoảng 12kg/con).

Nhím là động vật ăn tạp, nên thức ăn cho nhím khá phong phú và đa dạng, có thể ăn được từ các loại củ, quả, các loại rau, cỏ, rễ cây,… đến các loại côn trùng, sâu bọ, xương động vật. Nhím cái nuôi khoảng một năm bắt đầu đẻ, thời gian mang thai của nhím từ 95 – 100 ngày, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 1 – 2 con. Khi nhím trưởng thành cần tách riêng nhím đực và nhím cái riêng, khi thấy nhím cái có biểu hiện động dục thì bắt nhím đực thả vào ô nhốt nhím cái cho chúng phối trong thời gian từ 4 – 6 ngày.

Chị Hằng chia sẻ thêm: Nuôi nhím rất dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian, nhím ít bệnh tật mỗi ngày chỉ dội nước rửa chuồng 1 lần và cho nhím ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, thức ăn đơn giản, dễ kiếm, có thể tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp.

Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi nhím sinh sản đem lại, cho thấy đây là mô hình tuy mới nhưng đầy triển vọng về phát triển kinh tế cho người dân. Hy vọng thời gian tới, mô hình này được nhiều người dân đang có ý định chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiếp cận, góp phần mở ra hướng đi mới phát triển kinh tế trên địa bàn.

Bùi Thị Hồng Nhung