Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất triển khai thực hiện dự án “Cánh đồng lớn” đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hợp tác xã Tân Thuận thuộc xã Mỹ Thuận với diện tích 200ha, sử dụng giống DS1 để thực hiện, với 46 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần lúa giống, vật tư: tương đương gần 1.500.000 đ/ha. Bên cạnh đó nông dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác lúa theo hướng 1 phải 5 giảm (1P5G), hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng trong quá trình sản xuất.
Nhờ ứng dụng tốt quy trình kỹ thuật canh tác lúa 1 phải 5 giảm nên lúa trong mô hình đạt hiệu quả cao: Nông dân sạ thưa với mật độ 100 kg/ha đối với sạ lan, khoảng 30% nông dân áp dụng sạ hàng với mật độ 70kg/ha, từ đó giảm lượng giống 20-50 kg/ha, áp dụng bón phân cân đối, kết hợp bón phân hóa học với sử dụng các sản phẩm phân bón vi lượng, phân bón lá sinh học do chương trình hỗ trợ nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu tốt với điều kiện nắng hạn cuối vụ.
Ông Trần Văn Khoa – Phó Giám đốc HTX Tân Thuận chia sẻ, vụ Đông Xuân 2023 – 2024, HTX Tân Thuận tham gia thực hiện 200 ha dự án cánh đồng lớn. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật 02 lần/vụ, các thành viên tham gia thực hiện tốt theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tuy vào giai đoạn lúa 75 ngày có đợt rầy phấn trắng xuất hiện với mật độ khá cao trong thời gian khoảng 20 ngày nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt do sạ thưa, sử dụng phân bón hợp lý giúp cây có khả năng chống chịu cao. Giảm ít nhất từ 02 lần phun xịt so với ruộng ngoài mô hình, qua đó chi phí sản xuất giảm hơn 2 triệu đồng/ha. Là thành viên của HTX nông dân được cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu trong suốt mùa vụ với giá ưu đãi, từ đó cũng giảm được thêm một phần chi phí trong sản xuất.
Tổng chi phí khoảng 23 triệu/ha, năng suất lúa đạt 10 tấn/ha, giá bán 7800-8000 đồng/kg, cao hơn thị trường 200đ/kg, trừ chi phí các loại nông dân thu được lợi nhuận khoảng 50 triệu/ha nên rất phấn khởi.
Mô hình “Cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu” thực hiện thành công trên địa bàn xã góp phần nâng cao năng lực hoạt động của HTX, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho một số hộ nông dân còn lại mạnh dạn tham gia vào HTX để các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay góp phần thực hiện tốt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã./.
Lê Thị Kiều Oanh