Hòn Đất: Hội thảo đánh giá mô hình cánh đồng lớn vụ Hè Thu 2024

Sáng ngày 30/08/2024, Trung Tâm Khuyến Nông Kiên Giang tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá “Mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu năm 2024” tại trụ sở ấp Số Tám, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất.

Tham dự buổi hội thảo có ông Phạm Văn Ẩn – Bộ phận Khuyến nông – Trồng trọt và chăn nuôi – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang (TTKN), ông Vũ Đức Thường – cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòn Đất, ông Tạ Bá Hải – Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất, ông Vũ Thanh Bình – Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Kiên, ông Nguyễn Hắc Hải – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Long Hải cùng 60 nông dân trong và ngoài mô hình đến tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan các cánh đồng của mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu năm 2024 và được cán bộ Tổ Kinh tế Kỹ thuật xã báo cáo kết quả thực hiện mô hình.

Người dân tham quan cánh đồng mẫu.

Vụ Hè Thu năm 2024, HTX Long Hải được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư  01 bộ máy sạ cụm trị giá 590 triệu đồng. Trong đó, TTKN đầu tư 50% chi phí trị giá 245 triệu đồng, còn lại HTX đối ứng và hỗ trợ 50 % lúa giống cho 50 ha trình diễn mô hình sản xuất lúa. Trong quá trình thực hiện dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân trong và ngoài mô hình, cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng và hướng dẫn nhắc nhở nông dân ứng dụng đúng quy trình của dự án.

Áp dụng sạ cụm là một biện pháp mới lần đầu tiên được triển khai tại HTX Long Hải, máy Kubota L.5018VN phù hợp với vùng đất địa phương, được người dân đánh giá cao, máy hoạt động tốt, có thể điều chỉnh khoảng cách cây cách cây, số hạt/cụm. Từ đó, người dân có thể chủ động tăng giảm khoảng cách, lượng giống cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Kết quả mô hình cho thấy, việc ứng dụng một số yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất lúa theo quy trình “1 phải 5 giảm” như sử dụng giống lúa cấp xác nhận 1, mật độ gieo sạ 80 kg/ha nên nông dân trong mô hình tốn chi phí giống thấp hơn ngoài mô hình là 340.000đ/ha, phân bón 140.000 đ/ha, thuốc BVTV, công phun 1.755.000 đ/ha. Vì vậy, tổng chi thấp hơn so với ngoài mô hình là 2.135.000 đ/ha, nếu tính trên 50 ha là 106.750.000 đ. Lợi nhuận tăng hơn so với đối chứng là 4.415.000 đ/ha. Do đó, khuyến khích nông dân áp dụng theo quy trình để giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận. Bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng sản phẩm làm ra có số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, có hợp đồng liên kết tiêu thụ với công ty A An bao tiêu 100% diện tích.

Ông Phạm Văn Ẩn – Bộ phận Khuyến nông – Trồng trọt và chăn nuôi – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội trường.

Kết luận hội thảo ông Phạm Văn Ẩn cảm ơn những chia sẻ mà các đại biểu đã trao đổi thảo luận và khẳng định đây là mô hình có hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới mong chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện để nông dân được tiếp cận mô hình ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trang Nghiệp