Hòn Đất: Thêm một HTX của huyện Hòn Đất tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất và UBND xã Mỹ Thuận tổ chức hội nghị truyền thông Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận.

Tham dự hội nghị, về phía TTKN Kiên Giang có ông Lê văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm, về phía địa phương có ông Dương Huy Bình – Phó phòng Nông nghiệp huyện Hòn Đất, ông Nguyễn Văn Tươi – Trưởng trạm Khuyến nông Hòn Đất, ông Trần Văn Đạo – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận. Ngoài ra còn có Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, lãnh đạo Ủy ban các xã thị trấn, tổ KTKT các xã và các Hợp tác xã trên địa bàn huyện Hòn Đất cùng hơn 50 nông dân là thành viên trong hợp tác xã Tân Thuận.

Nông dân trong và ngoài HTX Tân Thuận xem mô hình tại cánh đồng trình diễn.

Đây là hợp tác xã thứ hai trên địa bàn huyện Hòn Đất tham gia Đề án với quy mô diện tích là 50 héc-ta của 15 hộ dân, giống lúa sử dụng là giống Đài Thơm 8 cấp xác nhận, đồng bộ 100% cơ giới hóa trong gieo sạ gồm: sạ hàng, sạ cụm, sạ cụm kết hợp bón vùi phân, sạ drone, mật độ sạ 70 kg/ha.

Trong quá trình tham gia thực hiện mô hình nông dân được hỗ trợ 100% lúa giống, gói vật tư bao gồm 121,5kg phân bón hỗn hợp NPK (tương đương 2.307.550đ) 05 lít phân hữu cơ sinh học, 2,5 kg chế phẩm phân hủy rơm rạ, thiết bị dụng cụ đo mực nước, quản lý nước theo quy trình, có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải, thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng và cày vùi rơm rạ kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh phân hủy rơm rạ,… Hiện nay, cây lúa trong giai đoạn từ 18 đến 33 ngày sau khi sạ, phát triển tốt.

Ông Lê Văn Dũng - PGĐ TTKN Kiên Giang chia sẻ về hiệu quả mà mô hình của Đề án mang lại cho người nông dân.
Ông Lê Văn Dũng – PGĐ TTKN Kiên Giang chia sẻ về hiệu quả mà mô hình của Đề án mang lại cho người nông dân.

Qua hội nghị truyền thông tại HTX Nông nghiệp Tân Thuận, sẽ giúp người nông dân trong địa bàn hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó tiếp tục nhân rộng mô hình sang các địa phương khác.

Tin và ảnh: Lê Thị Kiều Oanh

Biên tập: Lê Giang