Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp đoàn tham quan học tập tỉnh Tiền Giang

Sáng ngày 18/06/2024, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang có buổi gặp gỡ và trao đổi cùng đoàn tham quan học tập của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Vững – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, phát biểu chào mừng đoàn công tác

Tại buổi tiếp, Ông Lê Văn Dũng – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã khái quát tình hình về công tác khuyến nông của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua, đặc biệt là công tác tổ chức hoạt động của các Tổ Khuyến nông cộng đồng tại địa phương cùng một số nội dung có liên quan khác, Ban Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cũng mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp từ đơn vị bạn.

Trong buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, bà Võ Thị Anh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang có những đánh giá tích cực về công tác khuyến nông của tỉnh Kiên Giang sau khi nghe báo cáo về những hoạt động hiệu quả của Tổ Khuyến nông cộng đồng, việc thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án một triệu héc-ta), đồng thời cũng gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo và cán bộ TTKN Kiên Giang trong việc hỗ trợ đoàn công tác.

Cũng trong cùng ngày, đoàn tham quan được tham quan mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, một trong những tổ chức nông dân được tỉnh Kiên Giang chọn tham gia thí điểm thực hiện Đề án một triệu héc-ta ngay từ vụ lúa Hè Thu năm 2024 với diện tích 50ha/tổng diện tích hơn 600 ha của HTX và học tập kinh nghiệm mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng đạt hiệu quả trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

 

Tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, đoàn được giới thiệu quy trình canh tác lúa thông minh bao gồm các khâu của sản xuất lúa, gồm 3 hợp phần: Kỹ thuật canh tác; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ. Các hợp phần này liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ để áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án một triệu héc-ta.

Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Kiên Giang và Tiền Giang đánh giá cao hiệu quả mô hình được triển khai, cho thấy hiệu quả tích cực đến nông nghiệp địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Hiệu quả của mô hình không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế mà còn giải quyết các khía cạnh xã hội bằng cách cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương, từ đó góp phần vào mục tiêu chung là phát triển nông thôn và tiến bộ cộng đồng.

Lê Giang