Hòn Đất: Vệ sinh thú y mùa nắng nóng trong chăn nuôi nông hộ

Việc duy trì vệ sinh thú y là một phần quan trọng không thể thiếu trong quản lý chăn nuôi nông hộ, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả. Các biện pháp vệ sinh thú y cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, tuân theo quy trình kỹ thuật chuẩn và định kỳ, để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể gây ra thiệt hại lớn cho cả đàn vật nuôi và kinh tế của hộ chăn nuôi.

Vệ sinh thú y là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong chăn nuôi. Đối với những trang trại chăn nuôi lớn công tác vệ sinh thú y được tuân thủ chặt chẽ và đúng định kỳ. Nhưng đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, công tác vệ sinh thú y thường chưa được người chăn nuôi thực hiện thường xuyên đúng định kỳ hoặc có thực hiện nhưng không đúng với quy trình vệ sinh thú y, nên trong quá trình chăn nuôi thường xảy ra bệnh tật làm hao hụt số lượng vật nuôi, tăng chi phí giá thành và nguy cơ bùng phát bệnh thành những ổ dịch lớn gây thiệt hại nặng nề và khó khăn cho công tác phòng chống dịch của ngành thú y, làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ sản phẩm do chính người chăn nuôi sản xuất ra không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cán bộ thú y đang phun xịt hoá chất khử trùng chuồng trại.

Để chăn nuôi nông hộ phát triển bền vững có hiệu quả thì công tác vệ sinh thú y phải được các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để, đúng quy trình kỹ thuật, đúng định kỳ nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại, đó cũng là một trong những biện pháp kỹ thuật giúp cho người chăn nuôi giảm giá thành sản phẩm tăng hiệu quả trong chăn nuôi và đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đồng thời từng bước chủ động đầu ra cho sản phẩm mình làm ra bằng cách gắn kết các hộ chăn nuôi lại với nhau để xây dựng thương hiệu cung ứng ra thị trường sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

         Nhằm đáp ứng được các tiêu chí trên các nông hộ chăn nuôi cần phải nhanh chóng ứng dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nhất là việc thực hiện đúng quy trình vệ sinh nhằm đảm bảo cho sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng. Sau đây là các bước thực hiện trong quy trình vệ sinh, sát trùng trong chăn nuôi thú y:

         Bước 1: Làm sạch cơ học

– Bước này rất quan trọng có thể giúp loại trừ đến 80% mầm bệnh.

– Phun nước chuồng trại trước khi dọn rửa để tránh bụi (có thể mang mầm bệnh) bốc lên. Bước này giúp cho việc dọn phân, nước tiểu và các chất hữu cơ sinh học khác được dễ dàng hơn.

– Đối với một số mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây giữa người và vật nuôi nên áp dụng biện pháp phun thuốc sát trùng trực tiếp lên chất độn chuồng, phân trước khi quét dọn.

– Quét dọn thu gom lại tất cả các chất bẩn hữu cơ như: phân, chất lót chuồng, thức ăn để đốt hoặc chôn.

– Dùng bàn chải và vòi phun nước để xịt nước rửa sạch nền, vách, không để các vũng nước đọng trên bề mặt được sát trùng.

– Tất cả các vật dụng, phương tiện trước khi sát trùng phải được làm sạch cơ giới.

        Bước 2: Làm khô dụng cụ, chuồng trại

Sau khoảng 1 – 2 giờ khi bề mặt đã ráo nước, tiến hành phun thuốc cho đều, chú ý các hố, hốc.

        Bước 3: Xịt thuốc sát trùng

        * Đối với chuồng nuôi đang có vật nuôi:

– Pha thuốc sát trùng trong bình, nén khí, phun dưới dạng khí dung lên toàn bộ trần, vách, tường, không khí, chuồng nuôi để sát trùng.

– Đối với sát trùng không khí chuồng nuôi, lượng dùng 1.2 – 1.5 lít dung dịch cho 100m3 thể tích không khí chuồng nuôi (thể tích chuồng nuôi = dài chuồng x rộng x cao trần).

        * Đối với chuồng trống, đất xung quanh khu chăn nuôi, phương tiện vận chuyển:

– Phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền, tường, máng ăn, máng uống, trần, mái chuồng nuôi.

– Thuốc sát trùng được phun bảo đảm ướt toàn bộ bề mặt vật được sát trùng và phun theo chiều từ cao xuống thấp.

        * Đối với phân, rác, chất độn chuồng: Thu gom toàn bộ phân, rác, chất độn chuồng, thức ăn thừa… đem chôn hoặc đốt. Khi chôn phải rắc vôi, hoặc chloramin, chôn cách mặt đất ít nhất 0.5 – 1 mét.

        * Đối với nước uống, bể chứa nước:

– Tháo hoặc đổ bỏ toàn bộ nước cũ chứa trong bể hoặc thùng chứa.

– Dùng bàn chải cọ rửa sạch bề mặt bên trong bể, thùng chứa, rửa lại bằng nước sạch.

– Để khô phun thuốc sát trùng chloramin B với nồng độ 2 – 3% toàn bộ thành bể.

– Sau đó ít nhất 30 – 60 phút, rửa lại bằng nước sạch và bơm nước mới vào bể.

        Bước 4 – Để khô:

Sau khi khử trùng bằng thuốc, cần phải để khô dụng cụ và trang thiết bị. Với chuồng nuôi, thời gian để khô trước khi thả gia súc, gia cầm vào là 1 – 2 ngày, không được để khô dưới 12 giờ.

*Lưu ý khi thực hiện vệ sinh thú y cần thực hiện đúng các nguyên tắc sau

– Phải luôn luôn làm sạch tất cả phân và các chất bẩn.

– Chỉ dùng thuốc sát trùng sau khi đã làm sạch bề mặt.

– Phải để khô hoàn toàn vì vi sinh vật gây bệnh không thể sống trong môi trường khô.

– Khi phun thuốc sát trùng, phải mặc quần áo bảo hộ lao động.

        * Đối tượng tiêu độc sát trùng:

        – Chuồng trại: nền chuồng, trần, vách, khoảng không khí trong chuồng

nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi.

        – Dụng cụ chăn nuôi: máng ăn, máng uống, các loại dụng cụ khác dùng trong chăn nuôi.

        – Các vật dụng, phương tiện vận chuyển ra vào khu chăn nuôi: Xe chuyển thức ăn, dày dép người chăn nuôi, người mua hàng, tham quan, ….

        * Thời gian thực hiện tiêu độc sát trùng:

        – Khi không có dịch bệnh: định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng tiến hành phun thuốc một lần.

         – Khi có dịch bệnh: thực hiện tiêu độc một tuần 2 lần, liên tục cho đến khi hết dịch.

        – Sau mỗi khi xuất bán phải vệ sinh, sát trùng tiêu độc và để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 7 ngày trước khi nuôi mới.

– Khi có gia súc, gia cấm bị bệnh hoặc chết không được xuất bán, không vất xác vật chết ra môi trường (sông, suối, kênh, rạch hay những bãi rác, bãi đất trống làm ô nhiễm môi trường, lan truyền dịch bệnh.)

Cán bộ thú y thực hiện các bước vệ sinh trong chăn nuôi.

        * Lựa chọn thuốc sát trùng:

– Chọn sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng như: Vikon, Benkocid, Chloramin…

– Các thuốc này đều có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được hầu hết các loại mầm bệnh, kể cả nấm, bào tử, vi-rút và một số nguyên sinh động vật.

– Có thể phun xịt chuồng trại đang có vật nuôi nhưng tránh phun trực tiếp lên mình vật nuôi.

– Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các hộ chăn nuôi cần tuân thủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết về vệ sinh thú y, cũng như cập nhật liên tục về các phương pháp mới và hiệu quả hơn trong việc phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Sự hợp tác chặt chẽ giữa người chăn nuôi, cán bộ thú y, cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai và giám sát các biện pháp vệ sinh thú y sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu chăn nuôi bền vững và hiệu quả.

Nguyễn Thị Thu Lan