Huyện Giang Thành với diện sản xuất lúa hằng năm 29.100 ha/vụ/năm, điều kiện canh tác lúa còn nhiều khó khăn do nhiễm phèn mặn. Tuy nhiên do mặt bằng đồng ruộng còn chênh lệch làm tăng chi phí sản xuất như: Chi phí làm đất, lượng giống gieo sạ, thời gian và số lần bơm nước, số lần phun và số lượng phân, thuốc BVTV, công cấy giặm lúa…. gây khó khăn cho người sản xuất.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ mới cải tạo mặt bằng đồng ruộng để nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, mở rộng quy mô sản xuất lúa hàng hóa theo cánh đồng lớn gắn với liên kết doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hướng đến phát triển bền vững. Trong năm 2024 được sự quan tâm của huyện Ủy, UBND huyện, phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Giang Thành phối hợp với chính quyền địa phương triển khai dự án hỗ trợ san phẳng mặt đất ruộng bằng máy tia laser trên địa bàn của huyện.
Đối tượng hỗ trợ là các hộ dân trực tiếp sản xuất lúa, ưu tiên đối tượng là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa và các hộ tham gia vào các dự án hỗ trợ sản xuất lúa trên địa bàn huyện.
Điều kiện hỗ trợ phải là thửa đất đăng ký tham gia dự án là đất chuyên trồng lúa nước (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc giấy xác nhận của UBND xã nếu chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ) và chưa được nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung hỗ trợ của dự án tối thiểu 03 năm gần nhất. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ tối đa không quá 05ha/hộ. Qua thời gian thực hiện, đã cải tạo được 270 ha cho 54 hộ dân tham gia.
Dự án nhằm áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ mới vào cải tạo mặt bằng đồng ruộng để đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giảm mật độ gieo sạ (bằng máy sạ cụm, máy sạ hàng, máy cấy…), áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào (giảm chi phí làm đất, giảm lượng giống gieo sạ, giảm thời gian và số lần bơm nước, giảm số lần phun và số lượng phân, thuốc BVTV, giảm công cấy giặm lúa, giảm thất thoát sau thu hoạch…), sản xuất ra sản phẩm lúa hàng hóa có chất lượng cao, từ đó nâng cao giá trị lúa hàng hóa (có thể mua để làm giống) so với giá thị trường, qua đó góp phần nâng cao lợi nhuận bình quân các hộ tham gia dự án tăng thêm từ 5 – 10 % so với trước khi san phẳng mặt đất ruộng.
Ngoài ra, dự án góp phần tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ san phẳng mặt đất ruộng bằng tia laze mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ để tăng thu nhập. Việc san phẳng mặt đất ruộng cũng thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp, máy vận chuyển khi thu hoạch lúa góp phần làm giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho các tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ.
Tham gia dự án, nhờ ứng dụng được tiến bộ kỹ thuật, người sản xuất giảm được lượng phân bón hóa học, giảm hóa chất đưa vào môi trường, hướng tới sản xuất nguyên liệu an toàn, hướng việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững.
Nguyễn Thị Thùy Dung