Hòn Đất: Một số biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm giao mùa

Đang vào mùa mưa, thời tiết diễn biến hết sức thất thường, đặc biệt là thời điểm giao mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều sẽ khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như:

– Đối với trâu bò, một số bệnh hay nhiễm tại thời điểm này như: bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non do cảm lạnh, bệnh lở mồm long móng…

– Đối với đàn lợn có thể mắc một số bệnh như: Bệnh tai xanh, Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu, ở lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, Ecoli và viêm phổi…

– Trên đàn gia cầm, một số bệnh thường gặp như: Bệnh Gumboro, Newcastle, tụ huyết trùng, bệnh cúm gia cầm…

Để chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:

– Tiêm phòng đầy đủ các loại Vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

– Khu vực chăn nuôi phải được rào kín, có hố sát trùng luôn chứa chất sát trùng mới, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng. Khu vực chăn nuôi, hoặc chuồng nuôi phải phù hợp cho từng loại giống và đảm bảo mật độ nuôi phù hợp cho từng lứa tuổi. Cần giữ cho chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và che chắn không để mưa tạt, gió lùa. Thường xuyên quét dọn, định kỳ tẩy uế, khử trùng chuồng nuôi, thay chất lót chuồng, cọ rửa và tiêu độc máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi như cuốc, xẻng, giầy ủng, quần áo… Sau mỗi đợt nuôi phải tổng vệ sinh và khử trùng tiêu độc chuồng trại, nơi chăn thả. Sau đó để trống chuồng trại trống ít nhất 15 ngày trước khi nuôi lứa mới.

Cán bộ đang tiêm phòng cho bò khi thời tiết giao mùa.

– Thức ăn luôn sạch sẽ hợp vệ sinh, thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Không sử dụng thức ăn bị dư thừa ôi, thiu, ẩm mốc, Không lấy thức ăn cặn dùng cho vật nuôi, Không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng.

– Sử dụng nước uống sạch, không dùng nước sông, nước ao hồ tù đọng hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao.

– Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi nhất là giai đoạn thời tiết nắng nóng. Đảm bảo đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho gia súc, gia cầm nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh.

– Hằng ngày quan sát đàn vật nuôi, khi phát hiện con gia súc không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, đi đứng không bình thường, thích nằm…) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật, nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực.

– Khi xuất bán sản phẩm: Bà con nên chăn nuôi theo phương thức “cùng vào cùng ra”, có sổ ghi chép đầy đủ. Các sản phẩm thịt và trứng xuất bán phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng chấp nhận, từ đó sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương. Sau khi bán cần tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng và để trống chuồng theo đúng quy trình.

Tin và ảnh: Nguyễn Văn Thịnh

Biên tập: Lê Giang