Kiên Giang là tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, loại hình sản xuất tôm – lúa (nuôi tôm luân canh với trồng lúa) của Kiên Giang trong nhiều năm qua được tự hào đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Năm 2018, toàn tỉnh có 83.408 ha nuôi tôm – lúa, chiếm 67,3% diện tích nuôi tôm nước lợ và 33,3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Có thể nói, trong nhiều năm qua, loại hình nuôi tôm – lúa của tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội (giá trị sản xuất, thu nhập, việc làm, chất lượng cuộc sống người dân,…) và môi trường (sử dụng tài nguyên đất, chất thải được chuyển hóa, tái sử dụng trong hệ thống, tạo sự cân bằng bền vững,…). Tuy nhiên, qua thời gian phát triển, loại hình sản xuất này cũng đang còn những tồn tại, hạn chế nhất định; chủ yếu trong đó là vấn đề tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi còn khá thấp (tỷ lệ sống khoảng 15 – 22%, năng suất bình quân 450 – 480 kg/ha). Vì vậy, việc đề xuất một số giải pháp để góp phần giải quyết vấn đề này là rất cần thiết cho nghề nuôi hiện nay.
1. Thực hiện ương tôm giống ở giai đoạn đầu mới thả nuôi
a) Mục đích:
Tôm giống mới xuất trại, còn nhỏ (Post 12 – Post 15) chưa thích nghi tốt với điều kiện sống rộng lớn của ao nuôi; lúc này, địch hại trong ao nuôi mặc dù được xử lý nhưng có thể còn khá nhiều, nếu thả ngay ra ao thì tôm rất dễ hao hụt. Ngoài ra, giai đoạn này tôm cần được chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn (thức ăn tự nhiên và bổ sung thức ăn công nghiệp), môi trường nước được duy trì ít biến động nhất,… Việc thực hiện ương giống ở giai đoạn đầu mới thả sẽ giúp người nuôi giải quyết tốt những vấn đề nói trên. Sau thời gian ương khoảng 15 – 20 ngày, tôm lớn khá, có sức chống chịu tốt thì tiến hành đưa tôm ra ngoài ao nuôi tiếp giai đoạn thương phẩm. Với cách ương này, tỷ lệ sống tôm nuôi chắc chắn sẽ cao hơn cách thả giống thông thường hiện nay (thả ngay ra ao nuôi, không qua giai đoạn ương dưỡng).
b) Thiết kế ao ương:
– Thiết kế ao ương:
+ Diện tích ao ương chiếm khoảng 0,5 – 1,0% diện tích nuôi, thông thường khoảng 50-100 m2 . Bờ ao cao ít nhất 1,0 – 1,2 m để duy trì mức nước chứa thường xuyên ít nhất 0,7-0,9 m. Đáy ao được dầm nén chắc, phẳng, có góc nghiêng về hướng thoát, đảm bảo làm sao nước được tháo cạn khi cần rút hết nước (san tôm sau khi ương). Ngoài ra, đáy ao phẳng cũng làm cho việc si-phông loại bỏ chất thải (phân tôm, vỏ tôm, thức ăn dư thừa,…) dễ dàng hơn.
+ Để giữ nước tốt, ương được mật độ cao và thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm soát môi trường, dịch bệnh,… trong quá trình ương tôm giống thì nên lựa chọn thiết kế ao ương theo dạng ao nổi, có trải bạt đáy (chất liệu HDPE, các loại bạt nhựa tốt,…). Tùy điều kiện, ao ương cũng có thể làm bằng ao đất nhưng phải đảm bảo các yêu cầu như trên.
– Các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ:
Ao ương cần được che lưới lan nhằm hạn chế tối đa tia bức xạ ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, làm cho nhiệt độ nước tăng lên dễ gây tôm bị “sốc”, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm (giảm ăn, sức đề kháng yếu, tác nhân gây bệnh tấn công,…). Ngoài ra, cần trang bị hệ thống sục khí hoặc quạt nước đều khắp mặt ao suốt thời gian ương, mục đích chính là cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan cho tôm phát triển.
Hình: Một hình thức ương tôm giống giai đoạn đầu (Nguồn: Internet)
c) Vận hành ao ương:
– Chuẩn bị nước ao ương:
+ Ao ương nếu là ao đất thì bón vôi sống, phơi đáy ao trong 3-5 ngày; nếu là ao lót bạt đáy thì vệ sinh sạch sẽ ao, rút hết nước để khô ráo. Sau đó mới cấp nước vào. Nước từ ao chứa bơm qua ao ương sau khi đã được diệt tạp, xử lý sát khuẩn (sử dụng một trong các hóa chất Chlorine: 10-15 g/m3; Virkon: 0,5-1,0 g/m3; Thuốc tím (KMnO4): 2-5 g/m3; Hợp chất Iodine ≥ 10%: 1,0-3,0 ml/m3;…) và điều chỉnh các yếu tố chất lượng nước trong khoảng phù hợp (pH = 7,7-8,5; độ mặn = 5-15‰; độ kiềm = 80-120 mg/L;…). Mức nước thích hợp để ương tôm giai đoạn này là 0,8-1,0 m.
+ Sau khi bơm nước vào ao ương, tiến hành bón phân (phân vô cơ NPK hoặc một số chế phẩm dinh dưỡng tổng hợp và khoáng chất) nhằm mục đích gây màu nước, tạo cơ sở thức ăn tự nhiên (tảo, động vật nổi, động vật đáy) phát triển phong phú trong ao ương.
+ Đồng thời, giai đoạn này có thể sử dụng thêm chế phẩm vi sinh có lợi (các chủng Bacillus sp., Lactobacillus sp.,…) ủ với mật đường (khoảng 12 giờ) để tăng hiệu quả gây màu nước, ổn định môi trường và ức chế một số vi khuẩn gây hại phát triển trong ao. Sau khi gây màu nước khoảng 2-3 ngày là có thể thả giống.
– Thả ương tôm giống:
+ Tôm giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, kích cỡ đồng đều, có sức khỏe tốt và được kiểm dịch chứng nhận không nhiễm một số loại bệnh nguy hiểm (đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi, hoại tử gan tụy cấp,…).
+ Số lượng giống thả tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng cho mỗi đợt nuôi (có thể thả nhiều đợt nuôi trong loại hình tôm – lúa nhưng phải đảm bảo lịch thời vụ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn).
+ Mật độ ương dao động 500 – 1.000 con/m3 tùy điều kiện trang thiết bị và vật liệu làm ao ương. Thời gian ương thông thường trong khoảng 20-30 ngày.
– Chăm sóc tôm giống trong quá trình ương:
+ Quá trình ương phải sử dụng thức ăn công nghiệp bổ sung với 3-4 cử/ngày. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất (khoảng 1 kg thức ăn/100.000 con giống/ngày). Sau mỗi ngày tăng thêm 10-15% lượng thức ăn của ngày trước. Lưu ý biểu hiện hoạt động của tôm, diễn biến thời tiết và chất lượng nước để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
+ Định kỳ bổ sung men tiêu, khoáng chất (Ca, P,…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine,…) trong khẩu phần ăn cho tôm theo liều lượng hướng dẫn.
+ Khi thời tiết thay đổi (mưa hoặc nắng liên tục, nhiệt độ cao,…) thì nên trộn thêm một số vitamin C, Beta-glucan,… nhằm tăng sức đề kháng cho tôm chống chịu lại với điều kiện bất lợi bên ngoài.
+ Hàng ngày quan sát hoạt động, màu sắc, khả năng bắt mồi của tôm để đánh giá sức khỏe tôm nuôi chính xác. Nếu có biểu hiện bất thường cần xác định nguyên nhân (nếu cần thiết có thể thu mẫu tôm mang đi xét nghiệm bệnh) để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả.
– Quản lý môi trường trong quá trình ương tôm:
+ Các yếu tố môi trường cần đặc biệt chú ý trong loại hình nuôi ở giai đoạn này là: nhiệt độ, pH, oxy hòa tan (2 lần/ngày); độ kiềm, NO2, NH3/NH4 (3 ngày/lần),… Khi chỉ số đo đạc (test nhanh) ngoài ngưỡng cho phép cần xác định nguyên nhân và kịp thời xử lý hiệu quả.
+ Hàng ngày tiến hành si-phông loại bỏ chất thải lắng đọng dưới đáy ao (phân tôm, vỏ tôm, thức ăn dư thừa,…). Chất thải cần được tập trung vào hố chứa, xử lý an toàn, không đưa trực tiếp ra môi trường xung quanh.
+ Thường xuyên (khoảng 3-5 ngày/lần) bổ sung Dolomite, Bicarbonate và chất khoáng (Ca, Mg, P, K,…) để duy trì độ kiềm tốt (80-120 mg/L), giúp tôm lột xác đồng đều và mau cứng vỏ.
+ Định kỳ 5-7 ngày, sử dụng men vi sinh (các chủng Bacillus sp., Lactobacillus sp., Nitrosomonas sp., Nitrobacteria sp.,…) cùng với mật đường tạt vào thời điểm 8-10 giờ sáng để phân hủy chất hữu cơ lắng tụ đáy ao, giải phóng khí độc (NH3, H2S) và duy trì ổn định chất lượng nước trong ao ương.
+ Quá trình ương có thể cấp nước bổ sung hoặc thay nước (10-15% lượng nước trong ao) tùy theo diễn biến chất lượng nước trong ao. Lưu ý, nước thay phải được xử lý sát trùng, điều chỉnh pH, độ kiềm,… thích hợp tại ao sẵn sàng trước khi đưa vào ao ương.
– San tôm ra ao nuôi thương phẩm:
+ Giai đoạn ương tôm thường khoảng 20-30 ngày tùy vào điều kiện ương và việc chuẩn bị ao nuôi thương phẩm bên ngoài. Chỉ san tôm ra ngoài khi ao nuôi đã được chuẩn bị tốt, các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ kiềm, màu nước,…) phải nằm trong khoảng thích hợp và có sự tương đồng với ao ương.
+ San tôm bằng cách rút bớt nước xong rồi kéo lưới hoặc đặt lú bắt dần; sau đó mới rút nước cạn bắt hết số tôm con còn lại. Việc san tôm nên tiến hành trong điều kiện trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) và phải đảm bảo thao tác nhanh, tránh ảnh hưởng sức khỏe tôm.
+ Quá trình san tôm cần lấy mẫu để xác định kích cỡ và đánh giá tỷ lệ sống của tôm trong quá trình ương. Nếu quản lý tốt, tỷ lệ sống tôm giống giai đoạn ương khoảng 80-90%. Đồng thời, khi thả ra ao nuôi thương phẩm, tôm giống có kích cỡ khá (1.000-2.000 con/kg) sẽ có sức chống chịu tốt hơn với môi trường bên ngoài, hạn chế sự hao hụt do địch hại (cá tạp, cua, giáp xác lớn khác,…), từ đó tỷ lệ sống đến lúc thu hoạch chắc chắn sẽ cao hơn so với cách thức nuôi không qua giai đoạn ương giống ở giai đoạn đầu như đa số người dân hiện nay.
+ Mật độ nuôi thương phẩm đối với loại hình tôm – lúa thích hợp nhất trong khoảng 4-6 con/m2. Mật độ này có thể điều chỉnh hợp lý (thấp hơn hoặc cao hơn) tùy vào khả năng đầu tư, kinh nghiệm và kỹ thuật quản lý.
Ngoài việc ương tôm giai đoạn đầu bằng ao lót bạt đáy hoặc ao đất như trên, tùy điều kiện cụ thể của mình, người nuôi có thể tham khảo áp dụng một số cách ương tôm trong gièo lưới hoặc ngăn bằng bạt nhựa đặt ngay trong ao nuôi. Tuy mỗi cách đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng điều chắc chắn là tỷ lệ sống tôm nuôi và hiệu quả vụ nuôi luôn cao hơn so với cách nuôi truyền thống hiện nay (thả giống trực tiếp không qua giai đoạn ương giống ban đầu). /.
ThS. Phù Vĩnh Thái (Chi cục Thủy sản Kiên Giang)