Giồng Riềng: Hội thảo sơ kết Dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Hè – Thu 2024

Chiều ngày 15/6 tại trụ sở HTX Nông nghiệp Hòa Lợi xã Hòa Thuận, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Giồng Riềng phối hợp cùng UBND xã Hòa Thuận và Cty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại hữu cơ Kiên Giang tổ chức Hội thảo sơ kết đánh giá kết quả của Dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Hè thu 2024.

Tham dự hội thảo, có ông Trần Hoàng Trọng – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, ông Nguyễn Văn Dưỡng – Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện, ông Mai Thanh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thuận, ông Nguyễn Văn Nên – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận, ông Trần Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận, ông Hứa Trường Giang – Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại hữu cơ Kiên Giang cùng bà con là thành viên tham gia dự án.

Quang cảnh buổi hội nghị.

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu, nông dân tham gia dự án đều đánh giá cao hiệu quả mang lại từ việc áp dụng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trong đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, trước mỗi vụ, Cty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại hữu cơ Kiên Giang đều cử cán bộ tiến hành tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân, cung cấp vật tư đầu vào, bao gồm: các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Toàn bộ mô hình được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật do công ty đề ra, từ đó giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Mô hình đã chứng minh được hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn đối với sức khỏe người sản xuất. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong quá trình canh tác mô hình với các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu… giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp là môi trường thuận lợi cho các loại động vật có lợi phát triển.

Quan trọng hơn hết, mô hình góp phần thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân chuyển dần từ tập tục canh tác truyền thống sử dụng phân bón hóa học sang canh tác theo hướng hữu cơ và tiến tới canh tác hữu cơ (sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…). Điều này còn góp phần tạo nên thương hiệu gạo sạch, an toàn, chất lượng cho Huyện ngày càng phát triển ổn định.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện ông Trần Hoàng Trọng nói: “Đây là tiền đề cho việc thục hiện dự án “Phát triển bềnh vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL năm 2023 đến năm 2030”. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương và nông dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả mang lại để những hộ dân chưa tham gia mô hình tự nguyện tham gia”.

Nguyễn Văn Sáng