Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đây là cơ sở pháp lý cho các địa phương áp dụng quy trình canh tác để thực hiện thành công “Đề án 1 triệu ha”. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, ngày 4/4/2024 tại Khách sạn Hòa Bình 1, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang
Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được Cục Trồng trọt phối hợp cùng với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Sở NN&PTNT tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo giới thiệu và thông cáo báo chí. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha)”.
Hội thảo có sự tham gia khai mạc của Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bà Nguyễn Thị Minh Thuý, và Phó Tổng giám đốc IRRI Joanna Kane-Potaka. Bên cạnh đại diện các nhà tài trợ và đối tác tham gia Đề án, Hội thảo còn có các đại biểu đến từ các Cục, Vụ trực thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT 12 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa, các Viện, Trường, Hiệp hội, Doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; các chuyên gia; các tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí trong nước, …
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, trình bày về Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cấp cao IRRI giới thiệu về Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Ông Hùng, quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, gồm ba hợp phần (i) Kỹ thuật canh tác, (ii) Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch và (iii) Quản lý rơm rạ.
Tại Hội thảo, Cục Trồng trọt công bố Quyết định ban hành Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án. Với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân; tăng tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí phát thải.
Tại buổi hội thảo, Ban tổ chức còn mời các diễn giả tham gia Diễn đàn trao đổi về hợp tác, hỗ trợ của các tác nhân đối với Đề án 1 triệu hec ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Diễn đàn với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức quốc tế như World Bank, Đại sứ quán New Zealand, TaiwanICDF và Bayer, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, tổ chức FAO và SNV.
Kết thúc buổi hội thảo Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng Cuốn sổ tay này là tài liệu sử dụng hữu ích cho nông dân, khuyến nông viên, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp và cán bộ quản lý trong thực hiện Đề án 1 triệu ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và đánh giá cao Cục Trồng trọt, IRRI, các đối tác và chuyên gia đã cùng phối hợp biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Ngay sau khi kết thúc buổi hội thảo này, các địa phương về xây dựng kế hoạch phổ biến quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật đến toàn vùng thực hiện đề án và những vùng khác ngoài đề án./.