Vĩnh Thuận: Nông dân khởi nghiệp từ mô hình nuôi Chồn hương

Chồn hương là loài động vật hoang dã nhưng có giá trị cao về nguyên liệu nên việc nuôi chồn hương ngày càng phổ biến và đa dạng, nuôi Chồn hương chi phí thấp, giá bán lại cao, ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, thức ăn chủ yếu là nguồn cá tạp và trái cây sẵn có ở địa phương.

Ấp Cái Nhum (xã Phong Đông), huyện Vĩnh Thuận là ấp có nhiều đồng bào dân tộc Khmer kinh tế còn chậm phát triển so với các ấp khác trong xã, cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo, sinh sống bằng các nghề như hái rau, bắt ong rừng, nuôi tôm…đa số bà con nơi đây gặp khó khăn về sản xuất, nhờ mạnh dạng thay đổi phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao chú Danh Dung ở ấp Cái Nhum với mô hình nuôi Chồn hương thương phẩm đã thành công đáng kể.

Chú nói: “Ấp ủ ước mơ muốn nuôi Chồn hương từ năm 2017 mãi đến năm 2019 tôi mới dám đầu tư, do Chồn hương là động vật hoang dã, quý hiếm nên phải xin phép chi cục Kiểm lâm để thực hiện mô hình. Khi được cấp phép, bước đầu gặp khó khăn về kỹ thuật nuôi, nhưng do tính ham học hỏi tôi đi đến các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm, sau đó đầu tư 10 con Chồn hương giống với giá 100 triệu đồng và từng bước phát triển chuồng trại cũng như số lượng cho đến ngày hôm nay”.

Do đặc tính dễ nuôi nên thức ăn chủ yếu của Chồn là các loài cá tạp, hoa quả như đu đủ, chuối chín… sẳn có ở quanh nhà, chi phí thức ăn cho một con Chồn hương rất thấp, dao động từ 1.000đ – 2.000đ/ngày, đặc biệt cần chú trọng đến cách chăm sóc và áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống để phòng bệnh.

 Chồn hương được nuôi nhốt trong chuồng trại cẩn thận

Ban đầu gặp khó về vấn đề chăm sóc, khâu vệ sinh chuồng trại nên Chồn thường bị tiêu chảy, bỏ ăn, không năng động từ đó việc nhân giống sinh sản gặp nhiều khó khăn, có lúc chú muốn bỏ cuộc nhưng với tinh thần quyết tâm làm giàu, muốn vượt qua khó khăn trong cuộc sống nên chú tiếp tục tìm hiểu thêm qua các trang mạng xã hội, sau đó chú chỉnh sửa chuồng trại cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đã mang lại thành công bước đầu, hiện tại chuồng trại nhà chú có khoảng 200m2, được chia làm hai khu vực, một khu nuôi Chồn thương phẩm và một khu nuôi Chồn giống bố mẹ, hiện chú có 20 cặp Chồn giống bố mẹ và 45 con Chồn thương phẩm, chu kỳ sinh sản của Chồn 02 lứa/năm, mỗi lứa từ 2 – 4 con, giá bán con giống từ 3 tháng tuổi trở lên tùy theo kích thước nhưng bình quân là 10 triệu đồng/cặp.

Có được thành công như hôm nay, chú Dung đã không ít lần thất bại với mô hình nuôi Chồn hương. Đây là mô hình khá mới nhưng nếu chịu khó học hỏi cách chăm sóc, nuôi dưỡng thì hiệu quả kinh tế rất cao và đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cụ thể từ số vốn đầu tư ban đầu 100 triệu đồng đến thời điểm hiện tại chú có lợi nhuận khoảng 750 triệu đồng sau 3 năm nuôi, bình quân mỗi năm lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng, đến nay chú Danh Dung đã nhân rộng mô hình được 10 hộ lân cận. Thấy mô hình chú Danh Dung nuôi có hiệu quả cao nên nhiều người dân đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về tạo đàn. Ngoài việc nhân rộng mô hình thì chú còn cung cấp cho các nhà hàng có nhu cầu.

Nhận xét về mô hình của Chú Dung, Ông Bùi Thanh Trường – Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Phong Đông cho biết: “Chú Danh Dung là người dân tộc nhưng chú có tinh thần chịu khó, quyết tâm tìm tòi, học hỏi để mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian qua, mặt trận cũng đã góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế; phối hợp với ban, ngành đoàn thể chính trị thực hiện nhiều phong trào thi đua, nhất là phong trào Đồng khởi khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, đã thu hút được đông đảo người dân tham gia và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với mô hình chăn nuôi Chồn hương này phải nói đây là một mô hình mới, bước đầu cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong thời gian tới cũng mong rằng mô hình phát triển kinh tế của chú sẽ tiếp tục phát triển bền vững để góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của địa phương.”

Nguyễn Thị Nhẫn-Viễn