Kiên Giang hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Chiều ngày 09 tháng 01 năm 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, tổ chức hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Chủ trì hội nghị, Ông Lê Hữu Toàn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Theo báo cáo tổng kết, về sản xuất lúa, năm 2024 toàn tỉnh đã gieo trồng được 725.680 ha/, đạt 103,67% kế hoạch và tăng 1,80% so cùng kỳ năm 2023 (712.856 ha), tỷ lệ gieo trồng lúa có chất lượng gạo cao đạt 93,46%, năng suất thu hoạch bình quân đạt 6,50 tấn/ha, đạt sản lượng đạt 4.714.573 tấn/4,4 triệu tấn, tăng 7,57% kế hoạch và tăng 4,55% so năm 2023.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết

Liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn

Năm 2024, tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 767 cánh đồng với diện tích 116.499,5 ha. Trong đó, có 405 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 73.537,6 ha, có 27.087 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, Hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật,…tổng số mã số vùng trồng được cấp là 123 MSVT trên các loại cây trồng: lúa 118 MS, tiêu 01 MS, sầu riêng 01 MS, khoai lang 01 MS, khóm 01 MS và dừa 01 MS. Lũy kế từ năm 2022 đến nay, tồng số MSVT trong tỉnh là 526 mã số với tổng diện tích được cấp MSVT là 17.708,56 ha cho 15 loại cây trồng cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như EU, Japan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada.

Các đại biểu tham quan mô hình thực hiện đề án 1 triệu ha tại HTX Vinacam huyện Hòn Đất.  Hợp tác xã Vinacam đã sản xuất liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp Tân Long 438 ha, lúa ĐS1, với sản lượng dự kiến 3.942 tấn, với mức độ kiểm soát dư lượng 23 hoạt chất BVTV theo tiêu chuẩn cho phép của EU và Nhật Bản.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước được 814.991 tấn/800.000 tấn, vượt 1,87% so kế hoạch và tăng 2,09% so năm 2023 (cùng kỳ 798.309 tấn – chủ yếu tăng sản lượng thủy sản nuôi).

Mô hình nuôi tôm công nghệp và nuôi biển tại Kiên Giang

– Khai thác thủy sản: sản lượng khai thác ước được 430.821 tấn/435.000 tấn thủy sản các loại, đạt 99,04% so kế hoạch và bằng 98,54% so cùng kỳ (tương đương giảm 6.361 tấn). Trong đó: cá các loại: 295.875 tấn, tôm các loại: 30.253 tấn, mực: 59.079 tấn, thủy sản khác: 45.614 tấn. Sản lượng thủy sản khai thác giảm so cùng kỳ do tái cấu trúc ngành nghề khai thác và nguồn lợi thuỷ sản suy giảm.

– Nuôi thủy sản: tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch ước được 384.170 tấn tăng 5,25% so kế hoạch và tăng 6,38% so cùng kỳ (tương đương tăng 23.050 tấn); một số đối tượng chính như: tôm các loại 133.181 tấn tăng 2,45% so kế hoạch và tăng 10,07% so cùng kỳ (tương đương tăng 12.181 tấn); cua 28.508 tấn tăng 9,65% so kế hoạch và tăng 7,70% so cùng kỳ; sản lượng cá lồng 4.241 tấn đạt 96,39% kế hoạch và tăng 8,47% so cùng kỳ; cá loại và thủy sản khác 123.230 tấn tăng 11,02% so kế hoạch và tăng 8,66% so cùng kỳ.

Triển khai thực hiện chỉ tiêu được giao cho Ngành Nông nghiệp theo Quyết định số số 200/QĐ-UBND ngày 24/01/2024 của UBND tỉnh về việc phân công thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2024 (Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 08/3/2024 của UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 200/QĐ-UBND ngày 24/01/2024). Cụ thể như sau:

– Tỷ trọng Nông – Lâm – Thủy sản chiếm 35,43% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (chỉ tiêu phấn đấu chiếm 34,7%);

– Tốc độ tăng giá trị sản xuất Nông – Lâm – Thủy sản 1,52% (chỉ tiêu phấn đấu 2%), trong đó:

(1) Sản lượng lúa đạt 4,4 triệu tấn (chỉ tiêu phấn đấu từ 4,4 triệu tấn trở lên). Tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao đạt 90% tổng diện tích gieo trồng (chỉ tiêu phấn đấu trên 90% tổng diện tích gieo trồng);

(2) Tổng sản phẩm khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt từ 99% đến tương đương năm 2023 (chỉ tiêu phấn đấu 800.000 tấn);

(3) Thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu;

(4) Thêm 02 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới;

(5) Tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 64,6%;

(6) Tỷ lệ che phủ rừng 11% trở lên.

Năm 2025, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Trong nước, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tình hình chính trị – xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên. Nền kinh tế đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức; công tác quản lý, điều hành phát triển KTXH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ngày càng áp lực và nặng nề hơn. Khối lượng công việc xử lý ngày càng nhiều do nền kinh tế đang phát triển, quy mô GDP, dân số tăng; những vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, lao động, việc làm nhiều hơn. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, ngành nông nghiệp tranh thủ cơ hội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, phát triển kinh tế tập thể, sản xuất đạt chuẩn chứng nhận, … gắn mã vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tiến tới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Với những khó khăn, thách thức và cơ hội đã nêu, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch phấn đấu và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2025 phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu:

– Sản lượng lúa đạt 4.600.000 tấn. Tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao duy trì trên 90% tổng diện tích gieo trồng.

– Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 811.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác 420.300 tấn, sản lượng nuôi trồng 390.700 tấn.

– Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 65,0%.

– Có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu thêm 01 huyện đạt chuẩn NTM.

– Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh duy trì 11,50%.

Mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Kiên Giang

Năm 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng tiểu vùng. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái./.

Văn Dũng