Kiên Lương: Kết quả công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm 6 tháng đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổ Kinh tế kỹ thuật các xã, thị trấn phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiên Lương triển khai công tác tiêm phòng vaccin cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả tốt.

Theo số liệu thống kê, huyện Kiên Lương có tổng đàn heo: 5.636 con; đàn gia cầm 34.704con; đàn trâu 390 con; bò 804 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi được an toàn, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với Tổ Kinh tế kỹ thuật tổ chức công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Số liều vaccin tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng heo, trâu bò, bệnh tai xanh, bệnh viêm da nổi cục, bệnh dại chó, cúm H5N1 cho đàn gia súc, gia cầm của các xã, thị trấn trong huyện  Kiên Lương cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.

Tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn xã Dương Hòa.

Cụ thể, kết quả tiêm phòng đợt 1 năm 2024, các loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò thực hiện 800 liều đạt 67 % kế hoạch/năm; vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục 500 liều đạt 71% kế hoạch/năm; vaccine phòng lỡ mồm long móng trên heo 1300 liều đạt 54% kế hoạch/năm; vaccine phòng tai xanh trên heo 1.200 liều; vaccine phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 trên đàn gà, vịt 1.600 liều; vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó nuôi 400 liều. Ngoài ra còn cấp phát 336 lít hóa chất Benkocid phun xịt 5.880m2 khu vực giết mổ và khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiên Lương tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh mới. Có được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền, các ngành chức năng, sự phối hợp chặt chẽ của người chăn nuôi.

Tuy nhiên, đã vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến khắc nghiệt khó lường có khả năng xuất hiện các loại dịch bệnh như dịch tả heo châu phi, bệnh tụ huyết trùng, bệnh tai xanh, cúm ở gia cầm… Vì vậy để chủ động phòng chống bệnh trên đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần chú ý thường xuyên tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh, định kỳ phối hợp với cán bộ thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm, có như thế mới đảm bảo việc chăn nuôi ở nông hộ được toàn và hiệu quả./

Tạ Cẩm Hà