Vừa qua, UBND huyện Kiên Lương ban hành kế hoạch sản xuất, hướng dẫn lịch gieo sạ vụ lúa Hè Thu năm 2024 trên địa bàn huyện.
Theo Bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn thuộc Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang từ cuối tháng 03 – 08/2024 như sau: mùa mưa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 04 đến nữa đầu tháng 05, tuy nhiên trước đó xuất hiện những đợt mưa chuyển mùa thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), từ tháng 6-8 phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN. Nhiệt độ từ tháng 03 – 05/2024 nắng nóng trên diện rộng, trong tháng 06/2024 phổ biến cao hơn so với TBNN. Đồng thời căn cứ vào dự báo rầy nâu trên đồng ruộng, rầy vào hệ thống bẫy đèn trong và ngoài tỉnh với mật số thấp.
Trên cơ sở hướng dẫn lịch gieo sạ lúa Hè Thu năm 2024 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, đồng thời căn cứ điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. UBND huyện xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2024 như sau:
Theo đó, thời vụ xuống giống chung cho toàn huyện bắt đầu từ ngày 05/5/2024 kết thúc vào ngày 15/6/2024 và dự kiến thu hoạch dứt điểm ngày 20/10/2024. Cụ thể: Xã Hòa Điền và một phần diện tích của xã Kiên Bình ở phía bắc Quốc lộ 80 chủ động nước tưới, tập trung xuống giống bắt đầu từ ngày 05/5/2024, kết thúc vào ngày 20/5/2024. Thị trấn Kiên Lương, xã Bình Trị và một phần diện tích của xã Kiên Bình ở phía Nam Quốc lộ 80 bắt đầu xuống giống từ ngày 25/5/2024, kết thúc vào ngày 15/6/2024.
Cơ cấu giống trong vụ lúa Hè Thu chủ yếu giống có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày) cứng cây cho năng suất cao, chất lượng gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và kháng một số bệnh quan trọng như rầy nâu, bệnh cháy lá lúa, bệnh vàng lá chín sớm, muỗi hành… Sử dụng các loại giống lúa xác nhận, chất lượng cao, với cơ cấu nhóm lúa chính như: ST 24, ST 25, OM 18, OM 4900, OM6976, Đài Thơm 8, giống lúa nếp (IR 4625)… và giống ĐS1 (chỉ nên sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp).
Tích cực khuyến cáo và hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống mới, nhất là giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện thực tế đất đai của từng vùng, áp dụng quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng và các tiến bộ kỹ thuật khác, để giảm chi phí sản xuất như: Sạ hàng, sạ thưa, bón phân theo bảng so màu lá lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM…
UBND các xã, thị trấn có sản xuất lúa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cụ thể hóa thành kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ của địa phương mình, tổ chức triển khai thông báo rộng rãi tới người dân, thực hiện đúng lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tránh rầy, kiên quyết ngăn chặn tình trạng gieo sạ tự phát, phân tán. Tiếp tục theo dõi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại sản xuất do hạn, mặn gây ra. Tuyên truyền, vận động bà con nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới.
Thanh Phong