Kiên Lương: Ngư dân xã Hòn Nghệ chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Hiện nay mùa mưa bão đã bắt đầu, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, thời tiết diễn biến khó lường, nguy cơ xảy ra các trận mưa lớn và sóng lớn ở các vùng biển của huyện Kiên Lương. Vì vậy, các khu vực đánh bắt và nuôi, trồng thủy hải sản ven biển xã Hòn Nghệ cần tập trung ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024.

Hiện nay đang là mùa mưa bão, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất trắc khó lường. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá ra khơi đánh bắt thời gian qua xã Hòn Nghệ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trên địa bàn xã.

Để thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn cho ngư dân, giảm nhẹ thiệt hại về phương tiện hoạt động trên biển, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã chủ động phối hợp với Trạm Biên phòng rà soát thống kê tàu cá của bà con ngư dân về số đăng ký, tên chủ tàu, nghề, địa chỉ, loại máy liên lạc, số điện thoại… nhóm cộng đồng thường xuyên liên lạc, dự kiến vùng hoạt động trên biển của từng tàu cá theo mùa vụ; hướng dẫn các chủ tàu cá trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn trước khi ra khơi đánh bắt.

Trạm biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân biện pháp phòng chống bão, kiểm tra phương tiện đảm bảo an toàn khi ra khơi.

Cùng với công tác tuyên truyền cho ngư dân, các lực lượng chức năng cũng siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện trước khi xuất bến; kiên quyết không cho người và tàu cá ra khơi nếu chưa có đủ các trang thiết bị an toàn; thực hiện bắt buộc tàu thuyền khi hoạt động đánh bắt phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thông báo cụ thể vị trí, tọa độ ngư trường đang hoạt động để cơ quan quản lý thủy sản nắm bắt thông tin; đồng thời, hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định về đánh bắt khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Đến nay, hầu hết các tàu trên 90CV đánh bắt xa bờ của xã đều được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, đèn tín hiệu, máy thông tin liên lạc tầm xa, thiết bị giám sát hành trình,… khi khai thác biển dài ngày đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngành quản lý chuyên môn đề ra.

Ngoài ra, xã còn phối hợp chú trọng các phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, sự cố xảy ra; tăng cường kiểm tra, thống kê toàn bộ số tàu thuyền, phối hợp hướng dẫn, bố trí sắp xếp khu neo đậu bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

Cán bộ xã hỗ trợ dân các thủ tục an toàn trước khi đánh bắt.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc Gia, từ nay đến cuối năm 2024, có thể xuất hiện từ 6 – 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Chính vì vậy, để đề phòng những sự cố xảy ra trên biển, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành chức năng, bà con ngư dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ mình, chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay./.

Bài và ảnh: Đinh Hồng Nhung

Biên tập: Lê Giang