Vĩnh Thuận: Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi cua đinh thương phẩm

Ông Trần Văn Hải, chi hội trưởng chi hội nông dân Ấp kinh 1A, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận, đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi và thành công với mô hình nuôi cua đinh thương phẩm góp phần tăng thu nhập cho gia đình. 

Sau khi tìm hiểu thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, đầu năm 2022 ông Hải đã quyết định đầu tư số tiền 30 triệu đồng để mua 30 cặp cua đinh giống, bể nuôi thì tận dụng chuồng heo cũ sửa lại. Hơn 02 năm nuôi cua đinh đạt trọng lượng từ 4-5kg, anh Hải xuất bán được 20 cặp, giá bán dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/kg, tổng thu được 80 triệu, trừ các khoảng chi phí còn lãi được hơn 40 triệu đồng và 10 cặp cua đinh tuyển làm giống bố mẹ để sản xuất con giống cung ứng ra thị trường.

Ông Hải chia sẽ “nuôi cua đinh không đòi hỏi kỹ thuật cao, không cần nhiều diện tích (với bể xi măng khoảng 24m2 có thể nuôi 100 con giống), ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ sống cao, thức ăn chủ yếu là cá tạp nên nhẹ chi phí, thay nước đục trong bể 5 – 7 ngày/lần giúp hạn chế dịch bệnh và tạo môi trường nuôi tốt giúp cua đinh mau lớn. Cua đinh có sức đề kháng cao có thể xuất bán sau 2 năm nuôi, thịt cua đinh có giá trị dinh dưỡng cao và chế biến được nhiều món ăn ngon nên bán giá cao, được thị trường ưa chuộng”.

Cua đinh thương phẩm

Ông Trần Văn Mực Em, Bí Thư, trưởng ấp Kinh 1A chia sẽ: “Những năm gần đây nhiều nông dân trên địa bàn ấp đã mạnh dạn đầu tư những đối tượng nuôi mới để tăng thu nhập cho gia đình, nhất là mô hình nuôi cua đinh đang được nông dân nhân rộng bởi cua đinh dễ nuôi, đầu ra ổn định và có giá trị kinh tế cao”.

 Nuôi cua đinh là mô hình khá mới trên địa bàn ấp, song bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi, đây là mô hình kinh tế có hướng triển vọng tại vùng nông thôn, giúp cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần đa dạng hóa vật nuôi tại địa phương.

Trần Chí Thanh-Viễn