U Minh Thượng: Tọa đàm giải pháp phòng tránh hạn mặn và chăm sóc vườn cây ăn trái

Theo trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Những tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xảy ra sớm và ở mức sâu hơn so với trung bình nhiều năm gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng cây ăn trái nói riêng.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để tưới tiêu. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức buổi tọa đàm vào ngày 30 tháng 01 năm 2024 tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng với chủ đề “Giải pháp phòng tránh hạn mặn và chăm sóc vườn cây ăn trái năm 2024” nhằm giúp bà con nông dân chủ động đối phó và bảo vệ sản xuất.

Đến tham dự có Ông Phạm Văn Ẩn – Phó Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông; Ông Mai Thanh Lâm – Trưởng trạm Khuyến nông huyện U Minh Thượng cùng với đại diện trạm Trồng trọt và BVTV, tổ KTKT xã An Minh Bắc, Ban lãnh đạo ấp Công Sự cùng 20 nông dân sản xuất cây ăn trái trong vùng.

Tại buổi tọa đàm, những vấn đề được người dân quan tâm và đặt câu hỏi cho diễn giả như: các kỹ thuật chăm sóc vườn cây trong điều kiện khô hạn, một số giải pháp giúp việc phát triển vườn cây ăn trái tại địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Phạm Văn Ẩn, để giúp vườn cây ăn trái phát triển tốt trong mùa khô năm nay, bà con nông dân cần gia cố lại bờ bao để giúp giữ nước tốt và tránh sự xâm nhập mặn từ bên ngoài vào, nạo vét mương vườn để giúp dự trữ nước nhiều hơn, áp dụng một số phương pháp tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun sương,…) để giúp giảm thất thoát nước khi tưới. Công tác vệ sinh cỏ dại cần lưu ý để gốc cỏ cao từ 10-15 cm để giúp giữ ẩm cho đất, ngoài ra còn có thể sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn như cỏ khô, rơm,… để phủ trên mặt liếp giúp giảm sự bốc thoát hơi nước của đất.

Bên cạnh đó, để phát triển vườn cây ăn trái thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân: Cần bố trí và quy hoạch vùng trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp giúp giá trị sản phẩm được nâng lên. Đăng ký mã vùng trồng và sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,… để phục vụ cho công tác xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Ngoài ra có thể phát triển vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái nông thôn, giúp tăng thêm thu nhập cho người nông dân, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Nguyễn Vũ Thái Sơn-Viễn