Ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa có đông đồng bào dân tộc Khmer, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, buôn bán nhỏ lẻ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Để người dân nâng cao kỹ thuật chính từ nghề nông thôn, cải thiện cuộc sống; Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương mở 01 lớp dạy nghề lao động nông thôn về “Kỹ thuật chăn nuôi bò”.
Với mong muốn bà con có được cuộc sống ổn định. Sáng ngày 04/07/2024, tại ấp Hai Tỷ, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng; Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Ngọc Hoà đã tổ chức buổi khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024 về “Kỹ thuật chăn nuôi bò” giúp người dân trang bị những kiến thức cơ bản trong thực hiện chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đến dự lễ khai giảng có bà Nguyễn Thị Cẩm Hường – Viên chức – phòng Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh kiên Giang, bà Võ Thái Anh Thư – Giáo viên giảng dạy lớp nghề Chăn nuôi bò, ông Nguyễn Văn Phú – Bí thư Xã đoàn Ngọc Hòa và cùng với 35 học viên tham dự.
Thời lượng khóa học là 30 ngày, các học viên sẽ được trang bị các kiến thức như: Kỹ thuật xây dựng chuồng trại; cách chọn giống bò cái sinh sản đạt hiệu quả cao; kỹ thuật chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản; kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo bò thịt; kỹ thuật ủ chua một số loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho bò; kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học; cách nhận biết và phòng chống một số bệnh thường gặp.
Trong quá trình học, cán bộ giảng viên sẽ tạo điều kiện cho các học viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đồng thời giải đáp các thắc mắc về các loại dịch bệnh trên đàn bò. Giúp các hộ chăn nuôi bò có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phát triển đàn bò thịt, bò cái sinh sản góp phần phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Cuối khóa học, các học viên thực hiện bài kiểm tra kiến thức nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghề.
Thông qua lớp học, sẽ giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương./.
Nguyễn Thị Cẩm Tú