Hiện nay, diện tích liên kết tham gia đề án 1 triệu ha lúa trong năm 2024 trên địa bàn huyện Giang Thành khoảng 7.877ha. Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực vận động nông dân, hợp tác xã và kết nối doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất.
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tham gia đề án tiếp cận với các tiến bộ khoa học trong sản xuất lúa. Ngày 12/6/2024 Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Giang Thành phối hợp với Công ty Cổ phần Lương thực A An tổ chức lớp tập huấn canh tác lúa “1 phải 5 giảm” vùng nguyên liệu chất lượng cao và phát thải thấp.
Đến tham dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Thành Được – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, ông Cao Thưởng – Trưởng trạm Khuyến nông huyện, ông Trần Quang Trấn – đại diện Công ty Cổ phần Lương thực A An, tổ Kinh tế Kỹ thuật xã Vĩnh Phú và 32 nông dân là thành viên HTX Phú Nông Xanh.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được hướng dẫn quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” vùng nguyên liệu chất lượng cao và phát thải thấp, công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser và giải pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân đáp ứng mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 – 100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform – SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng và bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh. Giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến và tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Qua buổi tập huấn, nông dân tham gia đề án nắm vững quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” và trách nhiệm của bà con nông dân là trực tiếp sản xuất theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo.
Thân Đức Duy