An Minh: Tập trung cấp mã số vùng trồng trên cây lúa

Trong năm 2023 An Minh tập trung đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng trên cây lúa cho các hợp tác xã (HTX) trong huyện – giải pháp cơ bản cho liên kết bao tiêu lúa với doanh nghiệp.

Năm 2022, diện tích lúa vụ mùa 2022-2023 của toàn huyện An Minh là 23.600 ha mà chỉ có 2.091,5 ha lúa được liên kết tiêu thụ.  Diện tích này còn khiêm tốn so với thế mạnh của huyện. Chính vì thế trong năm 2023, để tăng diện tích lúa được doanh nghiệp liên kết bao tiêu huyện An Minh đã tập trung đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng trên cây lúa mà mục tiêu trước mắt là cấp mã số vùng trồng cho các HTX trên địa bàn huyện.

Để có thể hỗ trợ cho các HTX nắm rõ và thực hiện việc đăng ký mã số vùng trồng trên cây lúa dễ dàng và thuận lợi thì Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện An Minh có phối hợp với Hội nông dân tỉnh Kiên Giang,  Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Kiên Giang tập huấn về những quy định, hồ sơ thủ tục về cấp mã số vùng trồng theo quy định. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ dân trong HTX về mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số vùng trồng, giúp họ thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện cấp mã số vùng trồng trong xuất khẩu nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng đã được cấp mã số trong năm 2022 góp phần duy trì tốt mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản.

Mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng nhằm mục đích: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ, kiểm soát quy trình sản xuất bằng sổ tay ghi chép, giám sát vùng trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm tạo ra đúng yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của nhà phân phối.

Tập huấn về thủ tục cấp mã số vùng trồng và tập huấn nhân lực cho vùng trồng lúa được cấp MSVT xuất khẩu trên địa bàn huyện An Minh

Như vậy, việc xây dựng “MÃ SỐ VÙNG TRỒNG” không chỉ là thủ tục nhằm đạt được yêu cầu từ nơi nhập khẩu mà còn là giải pháp cơ bản để thu hút các doanh nghiệp các nơi liên kết bao tiêu lúa với các HTX trên địa bàn huyện. Để công tác cấp mã số vùng trồng trên cây lúa đạt hiệu quả thì thời gian tới cần có sự quan tâm của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự quyết tâm của người nông dân trực tiếp sản xuất cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp mới mã số vùng trồng trên cây lúa cho các hợp tác xã còn lại trong huyện. Có như vậy thì diện tích lúa được doanh nghiệp liên kết bao tiêu trong thời gian tới mới được nâng lên xứng với tiềm năng sẵn có của huyện.

Nguyễn Thị Hồng Điệp