Để thực hiện tốt Dự án hỗ trợ sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm năm 2024, ngày 27/05/2024 tại UBND xã Phú Mỹ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất gắn ký kết doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ lúa vụ mùa (lúa – tôm).
Tham dự hội nghị về phía huyện Giang Thành có ông Nguyễn Thành Được – Trưởng Phòng Nông Nghiệp & PTNT, ông Cao Thưởng – Trưởng trạm Khuyến Nông huyện Giang Thành, Ông Nguyễn Thanh Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lợi, ông Lê Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ. Về phía thành phố Hà Tiên có Ông Lâm Hồng Vũ – Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hồ, đại diện Công ty thu mua lúa gạo Ngọc Phú có ông Trần Văn Giàu – Giám đốc công ty, cùng 60 hộ nông dân thực hiện dự án lúa – tôm hữu cơ trên địa bàn huyện Giang Thành và thành phố Hà Tiên tham dự.
Trên địa bàn huyện Giang Thành có hai xã Phú Mỹ và xã Phú Lợi cùng tổ 15 thuộc khu phố 5, phường Đông Hồ, Thành Phố Hà Tiên sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm trên cùng một tuyến kênh Vĩnh Tế và có hơn 70 hộ với tổng diện tích 370 ha. Việc sản xuất nhỏ lẻ, gieo sạ không đồng loạt, thực hiện nhiều giống lúa không phù hợp, chưa chú trọng việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm, khâu quản lý không tập trung nên việc điều tiết cống nước ngọt không đảm bảo cho phục vụ sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật còn riêng lẻ, quản lý dịch bệnh chưa đảm bảo triệt để, gieo sạ không đồng loạt dẫn tới việc thu mua gập khó khăn bị thương lái ép giá, do chưa gắn kết tiêu thụ sản phẩm làm ra cả tôm và lúa, giá cả bán ra chưa ổn định, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của vùng dẫn đến năng xuất kém hiệu quả, sản lượng thấp chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra nên khó hình thành vùng chuyên canh lúa – tôm.
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đó, việc tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất gắn ký kết doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ lúa vụ mùa (lúa – tôm) năm 2024, có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp là điều cần thiết và quan trọng cần được triển khai thực thực hiện.
Trong buổi hội nghị, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Giang Thành và Phòng Kinh tế Thành phố Hà Tiên đi đến thống nhất liên kết chặc chẽ trong sản xuất lúa – tôm như: thống nhất lịch gieo sạ cùng thời điểm (Từ ngày 15 – 25 tháng 7 âm lịch), cùng loại giống chất lượng cao (ST 25), áp dụng quy trình tập huấn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất phù hợp với vùng canh tác, ký kết tiêu thụ sản lượng lúa cùng công ty đảm bảo giá cả đúng theo thị trường, điều tiết nguồn nước ngọt theo đúng lịch thời vụ, giúp bà con nông dân rửa mặn, lấy nước phục vụ cho sản xuất lúa – tôm, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất nhằm đảm bảo năng xuất và sản lượng cao, giá cả thu mua ổn định góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho địa phương, đồng thời năng cao năng lực quản lý điều hành, tổ chức tiêu thụ thông qua hợp đồng sản xuất tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.
Qua buổi hội nghị, góp phần giúp cho việc sản xuất lúa – tôm tập trung, gắn kết việc tiêu thụ, quản lý, điều tiết nguồn nước ngọt, hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện và các địa bàn lân cận sản xuất có hiệu quả kinh tế bền vững, lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi, để phát huy hết thế mạnh cho vùng quy hoạch lúa – tôm. Tiếp tục định hướng cho nông dân thực hiện sản xuất đúng kỹ thuật có hiệu quả cả về vụ tôm lẫn vụ lúa nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng chặc chẽ trong sản xuất giúp địa phương hình thành vùng chuyên lúa – tôm phát triển hiệu quả, lâu dài bền vững cho cả tôm và lúa trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Thị Tố Kim