U Minh Thượng: Hội Thảo mô hình nuôi heo thương phẩm theo hướng ATSH kết hợp sử dụng thảo dược

Ngày 18/01/2024, tại trụ sở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cùng Trạm Khuyến nông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả nuôi heo thương phẩm theo hướng ATSH kết hợp sử dụng thảo dược thuộc chương trình phát triển cải thiện chất lượng đàn giống gia súc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đến tham dự hội thảo có bà Lê Thị Hồng Cẩm cán bộ kỹ thuật phòng Khuyến nông Trồng trọt và Chăn nuôi-Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, ông Mai Thanh Lâm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện U Minh Thượng, đại diện UBND xã Vĩnh Hòa, Hội nông dân, Hội Phụ nữ, lãnh đạo ấp, cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình cùng với nông dân trong và ngoài mô hình.

Để giúp nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu (tấm, cám) ủ thức ăn bằng men vi sinh hoạt tính nhằm giảm chi phí thức ăn và các loại cây thuốc sẵn có tại địa phương có thể thay thế kháng sinh trong việc phòng và trị bệnh cho vật nuôi, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai 01 điểm, quy mô 10 con/điểm tại xã Vĩnh Hòa. Khi thực hiện mô hình nông dân được hỗ trợ 50 % giá trị con giống, thức ăn, thuốc thú y, vaccine, phần còn lại nông dân tự đầu tư. Các hộ khi tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật nuôi heo, cách ủ thức ăn và phối trộn thảo dược vào khẩu phần ăn của heo, quy trình tiêm phòng vaccine, cách phòng trị bệnh trên heo.

Ông Mai Thanh Lâm Trưởng Trạm Khuyến nông cho biết: giống heo lai 3 máu rất dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, đặc biệt khi sử dụng thức ăn được làm chín bằng phương pháp ủ men kết hợp thảo dược heo ít bệnh hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh, tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay.

Qua kết quả thực hiện mô hình giúp người chăn nuôi xác định được hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp sử dụng dược liệu tạo ra sản phẩm sạch, không kháng sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, từ đó có thể áp dụng cho các hộ lân cận và nhân rộng mô hình trên toàn huyện, góp phần tăng thu nhập cho chăn nuôi nông hộ tại địa phương./.

Lê Anh Tuân – Viễn