Vĩnh Thuận: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật

Huyện Vĩnh Thuận vừa ban hành công văn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Đủ nhận định: Thời gian qua trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận tình hình nuôi chó, mèo thả rông còn xảy ra ở nhiều nơi; đồng thời số hộ nuôi thả rông còn rất lớn, chưa thực hiện việc tiêm phòng Vắc-xin để phòng bệnh nên nguy cơ xảy ra bệnh Dại trên động vật là rất cao và có thể truyền lây sang người.

Cán bộ thú y trực tiếp tiêm phòng bệnh Dại tại địa phương

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại, đặc biệt tập trung quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo hạn chế tối đa lây truyền bệnh Dại cho người, giảm thiểu số người bị cắn và tử vong do bệnh Dại theo yêu cầu tại Công văn số 660/VP-KT, ngày 04/4/2024 của Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số nội dung sau:

(1) Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện phối hợp cùng Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư và chính quyền các cấp về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, cách xử lý, tuyên truyền để người dân quản lý không để chó, mèo chạy rông, nhất là các khu dân cư tập trung, quy định pháp luật về quản lý chó nuôi kể cả biện pháp chế tài nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nuôi chó đối với gia đình, cộng đồng, xã hội; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y, y tế về các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý.

(2) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát, phát hiện các trường hợp chó, mèo nghi bị mắc bệnh dại; chỉ đạo Thú y xã, Tổ kinh tế kỹ thuật tổ chức các đợt tiêm phòng định kỳ và tiêm bổ sung để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn chó của huyện. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(3) Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trạm Khuyến nông giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại tại cơ sở, đồng thời hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn huyện.

(4) Đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ tuyên truyền về phòng chống bệnh dại đến các cấp hội, hội viên, cộng đồng dân cư.

(5) Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê số lượng chó nuôi ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc-xin Dại: Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc thực hiện khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm vắc-xin Dại cho chó, chấp hành việc xích, nhốt; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định; chỉ đạo lực lượng sẵn sàng tham gia cùng ngành thú y trong tiêm phòng bệnh Dại, xử lý chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại. Tuyên truyền cho người dân biết khi bị chó, mèo cắn phải xử lý vết thương đúng cách và nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm phòng, không điều trị bằng phương pháp dân gian.

Lâm Phước Khiêm