U Minh Thượng: Một số lưu ý về bệnh héo khô đầu lá trên khóm

Năm 2023, diện tích trồng khóm của huyện U Minh Thượng là 1.076 ha, phân bố nhiều ở xã Minh Thuận, Hòa Chánh và Vĩnh Hòa. Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, mưa bão thất thường, gây ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, bệnh hại xuất hiện và gây hại trong đó có bệnh héo khô đầu lá trên khóm.

Bệnh héo khô đầu lá trên khóm

Những năm trước bệnh héo khô đầu lá chỉ xuất hiện rải rác ở những ruộng khóm ít được chăm sóc. Hiện tại thì bệnh này đã xuất hiện khá nhiều, gây hại đáng kể, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh héo khô đầu lá nhưng chủ yếu do nông dân sử dụng giống bị thoái hóa, không sạch bệnh, chưa có biện pháp xử lý giống trước khi trồng và những ruộng có liếp thấp thường bị ngập vào mùa mưa.

Vì thế, nhằm giúp cho bà con nông dân bảo vệ tốt ruộng khóm của mình dưới đây là một số lưu ý về bệnh khô đầu lá trên khóm, cụ thể:

Về tác nhân và triệu chứng:

– Bệnh héo khô đầu lá trên cây khóm do virus Ananas gây ra, virus có mối liên hệ mật thiết với rệp sáp, rệp sáp là môi giới truyền bệnh.

 – Bệnh xuất hiện đầu tiên và gây hại trên cây khóm ở các lá già (lá gốc), sau đó lan sang các lá lân cận, lá kế bên hay các lá bên trong, sau đó là đến lá đọt.

– Các lá bị bệnh thường chuyển màu xanh sang màu vàng ánh đỏ, lá bị uốn cong về mặt dưới và hai bên mép, lá ngắn kém phát triển, bụi lùn, trong giai đoạn mang trái thì trái nhỏ. Rễ cây thường bị thoái hóa, số lượng rễ còn lại rất ít, nhất là rễ cấp 2 và rễ cấp 3.

Về biện pháp quản lý bệnh:

Liếp trồng phải cao ráo, không bị ngập vào mùa mưa. Vệ sinh đồng ruộng (vườn) trước khi trồng lại, tiêu huỷ hết tàn dư cây khóm cũ trước đó đã bị bệnh. Phải có thời gian cách ly cho đất nghỉ để phân hủy mầm bệnh từ 1-3 tháng mới trồng lại vụ mới.

Chọn chồi giống từ cây mẹ khoẻ mạnh không có rệp sáp.

– Trước khi trồng nên xử lý cây giống bằng cách nhúng gốc vào dung dịch thuốc Actara 25WG + Aliette 800WG + Movento 150 OD trong 10-15 phút để trị nấm bệnh và rệp sáp.

Trong giai đoạn cây con trong vườn ươm, sau khi trồng 15-20 ngày, quản lý rệp sáp ở giai đoạn này là quan trọng, vì mầm bệnh có khả năng lây truyền ở giai đoạn sau lúc cây khóm 4-5 tháng tuổi. Dùng thuốc Movento 150 OD pha với liều lượng 15-25ml/16 lít/1.000m để phun xịt lần thứ nhất. Sau đó lặp lại lần thứ hai khi cây con được 2-3 tháng tuổi chuẩn bị mang ra khỏi vườn ươm trồng xuống đất.

Khi cây khóm độ khoảng 5-6 tháng tuổi, thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện trên vườn có rệp sáp có thể dùng một trong các loại thuốc sau để phòng trị: Movento150 OD,  Vibamec 1.8 EC, Plutel 0.9 EC;  Plutel 1.8  EC;  Chersieu 50WG.

Trên đây là một số kiến thức giúp bà con nhận biết bệnh khô đầu lá và có cách phòng trị bệnh phù hợp, để đem lại năng suất khóm cao hơn, giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Nguyễn Văn Hiển-Viễn