Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất rất chú trọng đến việc trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn có hàng chục ha đất lung trũng, do hàng năm bị ảnh hưởng nước lũ đầu nguồn về khiến nông dân nơi đây luôn gặp khó khăn việc trồng lúa. Trước những khó khăn đó, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả kém, đưa cây sen trồng ở những thửa đất lung trũng này mang lại cho thu nhập cao.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ngụ tại ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, là một ví dụ điển hình trong việc chuyển đổi giống cây trồng. Với 5 ha đất hoang hóa do gia đình chị Đào khai mở từ những năm 2005, thửa đất nhà chị phần lớn là lung trũng nên việc sản xuất lúa kém hiệu quả. Nên sang năm 2015, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng sen cho đến nay.
Lúc đầu do chưa nắm vững quy trình canh tác nên gia đình chị Đào trồng thử 2 ha. Nhờ tính cần cù, hăng say lao động và tìm hiểu thêm kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau nên hiệu quả kinh tế bước đầu tương đối ổn định. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng sen, gia đình chị Đào dần dần mở rộng hết 3 ha phần đất còn lại để phát triển mô hình. Hiện nay gia đình chị Đào không những trồng sen để bán thương phẩm mà còn là địa điểm cung cấp cây con giống cho bà con.
Thấy có triển vọng kinh tế mang lại từ cây sen, nhiều hộ nông dân lân cận đã học cách làm theo chị Đào để có thêm thu nhập và nâng cao cuộc sống, anh Nguyễn Văn Thừa, hàng xóm chị Đào cho biết: “Tôi có 1,5 ha đất thấp trũng, đa phần chỉ sản xuất được 4 tháng trong năm của vụ lúa đông xuân, còn lại 8 tháng sản xuất không hiệu quả hoặc bỏ không, hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy tôi chuyển đổi mô hình đất để trồng cây sen. Do đặc tính cây sen thời gian thu hoạch kéo dài, giá cả có lúc lên, xuống. Mặt dù vậy với giá bán nào cũng có lợi nhuận. Nhờ lợi nhuận từ cây sen, đã cải thiện tốt cuộc sống và giảm bớt khó khăn gia đình”.
Còn anh Bảy Lâm, người ở cùng địa phương chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 3ha sen trên thửa đất lung trũng trên nền đất của mình, sen rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi cao với thổ nhưỡng tại địa phương, phát triển tốt trên diện tích đất sâu trũng có nước, ít tốn công chăm sóc, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay sen đang vào vụ cho thu hoạch, hai ngày tôi thu hoạch một lần từ 350kg đến 400kg hạt sen (sen lụa). Với giá bán dao động ngoài thị trường từ 30.000đ- 35.000đ/kg, tính theo lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây”.
Nguồn lợi nhuận thu về từ việc trồng sen trên vùng đất trũng trên nền đất từng làm lúa kém hiệu quả đã giúp nhiều gia đình nông dân ở ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn có thu nhập ổn định và khấm khá, đồng thời nhân rộng việc nhân rộng mô hình đang mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân và giải quyết được một lượng lao động tại địa phương.
Nguyễn Hùng Phến – Trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất