Cuối tháng 02 năm 2023 nhiều địa phương trong huyện Vĩnh Thuận nói chung và xã Vĩnh Thuận nói riêng đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa lớn làm môi trường ao nuôi tôm thay đổi đột ngột. Sau những cơn mưa thường xuất hiện nắng nóng gay gắt nhiệt độ cao từ 30-390C. Bên cạnh đó tôm nuôi trong giai đoạn từ 30- 50 ngày tuổi, đáy ao dơ, khí độc tăng cao làm giảm sức đề kháng, từ đó tăng nguy cơ bùng phát bệnh gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Để hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết, nay Tổ kinh tế kỹ thuật xã Vĩnh Thuận khuyến cáo người nuôi cần lưu ý:
Trước khi thả tôm bà con cần sên vét tu sửa bờ ao loại bỏ các chất dơ của vụ trước ra khỏi môi trường ao nuôi, rào lưới xung quanh ao nuôi để ngăn chặn vật chủ trung gian gây bệnh cho tôm nuôi. Bà con nên thả tôm theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn khuyến cáo, trong quá trình nuôi giữ mặt nước trên ruộng nuôi thấp nhất 0.5cm trở lên, thường xuyên kiểm tra môi trường sau những cơn mưa lớn như: độ mặn, độ pH, độ kiềm và các khí độc trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh kip thời. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng mật đường, cám gạo, ủ với men vi sinh Bictech với liều lượng 0,5kg/5000m3 hoặc yuca nước hay yucazeo hạt kết hợp men vi sinh tùy theo hướng dẫn nhà sản xuất định kỳ 7 -10 ngày một lần để ổn định môi trường nước.
Đặc biệt sau đợt mưa nhiều vi khuẩn có hại gây bệnh thường bùng phát theo sự tích tụ chất hữu cơ trong ao. Do đó, sau khi kết thúc đợt mưa thời tiết nắng nóng ta cần diệt khuẩn để giảm mật độ vi khuẩn có hại và cấy vi sinh lại sau 24 giờ để tăng cường vi khuẩn có lợi cho ao. Một số chất diệt khuẩn có thể ảnh hưởng đến tảo và sức khỏe tôm. Vì vậy, bà con cần lưu ý chọn loại diệt khuẩn tương đối an toàn và phải kiểm tra sức khỏe tôm trước khi sử dụng.
Ngoài ra cần quan sát phản ứng của tôm nuôi, màu sắc, sàng ăn, định kỳ 5-7 ngày chài kiểm tra tôm hoặc sau khi ao nuôi có những diễn biến như chất lượng nước xấu hay mưa kéo dài, để có biện pháp xử lý kịp thời; Bà con cần tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách trộn thuốc vào thức ăn với liều lượng cao hơn thông thường bổ sung các chất như Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, để tăng sức chống chịu cho tôm nuôi.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý để quản lý môi trường ao nuôi tôm trong điều kiện thời tiết mưa trái mùa. Hy vọng với những biện pháp vừa nêu trên kết hợp với kinh nghiệm của người nuôi sẽ có những cách kết họp quản lý tốt nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi, giúp vụ mùa thắng lợi./.
Nguyễn Văn Lâm