Xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận có diện tích tự nhiên là 4.300 ha trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.844 ha. Vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 dương lịch là thời điểm thời tiết bắt đầu giao mùa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, giai đoạn này thì nuôi trồng thủy sản sẽ ảnh hưởng mạnh nhất.
Thời điểm giao mùa sẽ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột dẫn tới tôm sẽ dễ bị Strees, sức đề kháng tôm nuôi bị yếu, đây là điều kiện thuận lợi cho một số loài vi khuẩn, vi rút gây bệnh trên tôm nuôi bùng phát và lây lan nhanh, để hạn chế thiệt hại trên tôm nuôi do biến động thời tiết vào thời điểm giao mùa gây ra, người nuôi tôm nên lưu ý một số vấn đề như sau:
Điều trước tiên người nuôi cần phải thực hiện là tuân thủ đúng theo khung lịch thời vụ thả giống của Phòng Nông và PTNT khuyến cáo. Bên cạnh đó nên tiến hành thu hoạch những lứa tôm đến cỡ thương phẩm vì thời tiết giao mùa như hiện nay tôm rất dễ xảy ra dịch bệnh.
Công tác chuẩn bị ao, vuông nuôi: Cần kiểm tra gia cố bờ bao và hệ thống cống chắc chắn…Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, độ kiềm, hàm lượng Oxy,… nhằm đảm bảo các yếu tố này trong ngưỡng thích hợp. Việc kiểm tra này sẽ giúp người nuôi phát hiện những biến đổi bất lợi đối với tôm nuôi và kịp thời khắc phục.
Đối với thả giống: Cần chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng. Tốt nhất người nuôi nên chọn từ các cơ sở có uy tín. Chọn tôm giống chất lượng, tôm giống phải được xét nghiệm bằng PCR trước khi thả nuôi, chỉ chọn lô tôm giống được chứng nhận sạch các loại bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura, Vibrio parahaemolyticus, và bào tử trùng, …. Chỉ chọn lô tôm giống có kết quả âm tính với các bệnh nêu trên để thả nuôi. Thả đúng mật độ theo từng hình thức nuôi, không thả tôm với mật độ cao, nên thả ở mật độ vừa phải không nên thả dầy. Đặc biệt khuyến cáo bà con không nên thả giống gối vụ liên tục trong thời điểm này.
Đối với việc quản lý ao nuôi: Hiện đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết biến động lớn làm cho hệ sinh thái trong vuông nuôi biến động liên tục nhất là tảo (màu nước). Vì vậy người nuôi cần kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của tảo trong thời gian này để hạn chế tối đa việc tảo tàn trong ao nuôi. Kiểm tra thường xuyên các khoáng chất để kịp thời bổ sung các chất khoáng và dinh dưỡng, Vitamin cho ao nuôi để giúp duy trì ổn định sự phát triển của tảo, đặt biệt là sau những cơn mưa.
Nên duy trì mực nước trong ao, vuông nuôi từ 1,2 – 1,8m. Bên cạnh đó người nuôi cần hạn chế trao đổi nước trực tiếp với môi trường bên ngoài vì thời điểm này môi trường nước sông, rạch thường xuất hiện nhiều vi khuẩn, vi rút gây bệnh trên tôm nuôi.
* Lưu ý: Đặt biệt là theo dõi thời tiết, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi để có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Trong quá trình nuôi khi thấy tôm có biểu hiện lạ bất thường trong ao nuôi cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn khắc phục kịp thời./.
Trần Chí Thanh