Theo ngành chuyên môn, nuôi vịt chạy đồng phần nào giúp người chăn nuôi tận dụng các sản phẩm sau thu hoạch trên cánh đồng lúa, tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Do đó, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, trong đó có đàn vịt chạy đồng cũng được ngành chức năng, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện.
Theo nhiều người chăn nuôi vịt, hình thức nuôi vịt chạy đồng giúp nhiều hộ chăn nuôi tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn, nhất là trong giai đoạn giá thức ăn tăng cao như hiện nay. Nếu nuôi nhốt vịt hoàn toàn, người nuôi sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Khi thả đồng, đàn vịt tự kiếm thức ăn nên rất ít tốn thêm chi phí. Ăn lúa còn sót trên ruộng, cua, ốc… nên vịt mập ra, đẻ trứng cũng nhiều hơn, thịt cũng chắc hơn. Từ đó, giúp người nuôi thêm lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là nuôi vịt chạy đồng cũng gặp nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh. Đó là chưa kể vào mùa mưa lũ, thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột. Khi đó, cơ thể gia cầm khó thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết nên sức đề kháng giảm. Cộng với môi trường chăn nuôi luôn tiềm ẩn vi rút làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu người chăn nuôi không vệ sinh, khử trùng thường xuyên.
Mô hình nuôi Vịt chạy đồng có ưu điểm là tận dụng thức ăn và lúa rơi vãi sau thu hoạch lúa trên đồng. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền địa phương cần chủ động trong việc đề phòng các bệnh liên quan đến đàn dịch chạy đồng.
Ông Trương Trung Kiên – Trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản huyện Hòn đất, cho hay: “Nuôi vịt theo hình thức chạy đồng, vịt sẽ tự tìm kiếm lúa sót lại trên đồng, người nuôi chỉ cần tốn một ít tiền để mua thức ăn giặm thêm. Khi đã hết đồng trống ở địa phương này, người nuôi sẽ di chuyển đàn vịt đến địa phương khác để tiếp tục chăn thả. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao nếu người nuôi không chủ động thực hiện công tác tiêm phòng dịch bệnh”.
Thời gian qua, không ít người nuôi vịt chạy đồng cũng cảnh giác cao và ý thức hơn về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi bởi đó là nguồn thu nhập chính, nên không muốn xảy ra rủi ro, thất thoát.
Vụ lúa Đông xuân vừa qua, có hơn 80.000 con vịt nuôi chạy đồng về huyện nhà, ông Kiên cho biết: “Nuôi vịt chạy đồng vốn nhiều rủi ro, cảnh giác thì dịch bệnh ít xảy ra hơn. Mỗi lần đàn vịt về địa phương hoặc đưa đi nơi khác, Chúng tôi tính toán thời gian ở lại bao lâu rồi xem lại đàn vịt còn hạn tiêm phòng hay không để tiêm bổ sung cho đúng liều, đúng lịch, đặc biệt là vịt về địa phương. Chúng Tôi chỉ đạo cán bộ kiểm tra chặt chẽ về tiêm phòng cũng như tổ chức tiêm phòng cho tổng đàn”.
Theo đánh giá của ngành chức năng thời gian qua, người chăn nuôi gia cầm ngày càng ý thức cao trong khâu phòng bệnh cho gia cầm. Điều này thể hiện qua việc chủ động tiêm vắc xin cho gà, vịt, thường xuyên vệ sinh môi trường chuồng trại và có biện pháp chăn nuôi an toàn. Đối với vịt chạy đồng, hộ nuôi phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư nên tất yếu sẽ có biện pháp tự bảo vệ đàn trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp – PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm ở một số địa bàn giảm do giá cả chăn nuôi giảm. Tổng đàn vịt chạy đồng giảm mạnh do giá thức ăn cũng tăng cao, làm giảm tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
Cụ thể, khi có đàn vịt chạy đồng, trạm sẽ giám sát chặt chẽ số lượng, kiểm tra giấy tiêm phòng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đàn vịt chạy đồng từ nơi khác đến.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh mà nhiều năm nay huyện đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh gia cầm xảy ra và lây lan.
Về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới, trạm Khuyến nông huyện chỉ đạo cán bộ thú y sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm phòng, nhất là ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ; thực hiện kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Nguyễn Văn Tươi